(HNM) - Thời gian qua, thị trường tại các tỉnh, thành phố lớn luôn là ưu tiên phát triển của các doanh nghiệp bán lẻ. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, việc phát triển và chuyển hướng về khu vực nông thôn là hướng đi hiệu quả.
Nhu cầu mua sắm tăng cao
Với hơn 60 triệu người sống ở khu vực nông thôn, chiếm 70% dân số Việt Nam, hiện nhu cầu mua sắm ở khu vực này rất cao. Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, khu vực nông thôn Việt Nam hiện có nhu cầu hàng tiêu dùng liên tục tăng mạnh, với sức mua hơn 20 tỷ USD/năm (từ năm 2017 đến nay, tăng trưởng bình quân 12%/năm về giá trị và 9%/năm về sản lượng). Số lượng khách hàng nông thôn sẵn sàng tiêu dùng nhiều gấp 3 lần khu vực thành thị: Có 95% gia đình sẵn sàng mua tivi, 92% có thể mua bếp điện hoặc bếp gas, 30% muốn mua tủ lạnh, máy giặt và 9% muốn mua máy vi tính…
Nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng xây dựng chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi bám sát khu dân cư, thị trường nông thôn… Điển hình như Tập đoàn Vingroup, sau hơn 2 năm đầu tư (từ tháng 3-2017), hiện hệ thống cửa hàng tiện ích Vinmart+ hoạt động như một siêu thị mini đã lên con số hơn 1.500 cửa hàng tại 30 tỉnh, thành phố trên cả nước và trở thành chuỗi cửa hàng tiện ích lớn nhất tại Việt Nam.
Người tiêu dùng mua hàng tại phiên chợ Việt tổ chức tại huyện Thanh Trì. |
Ở khu vực phía Bắc, có hệ thống siêu thị Lan Chi liên tục mở rộng hệ thống phân phối tại khu vực nông thôn, với 25 siêu thị tại khu vực ngoại thành Hà Nội và một số tỉnh. Tổng công ty Thương mại Hà Nội sau 11 năm đầu tư hệ thống siêu thị và các cửa hàng tiện ích Hapromart, ngoài Hà Nội, hệ thống bán lẻ này đã vươn đến các tỉnh Thái Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa...
Nhận xét về hệ thống bán lẻ ở khu vực nông thôn, bà Nguyễn Thị Vân (xã Hà Hồi, huyện Thường Tín) chia sẻ: "Sự có mặt của các siêu thị như Lan Chi Mart, Vinmart+, Hapro… tại khu vực ngoại thành đã giúp người dân có cơ hội tiếp cận, mua sắm các mặt hàng đa dạng, bảo đảm chất lượng, nhất là hàng Việt Nam chất lượng cao. Để ngày một nâng cao chất lượng sống của người dân, tôi thấy cần nhiều hơn nữa những siêu thị như vậy ở các vùng quê".
Theo đánh giá của bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), thông qua việc triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng Việt Nam ngày càng củng cố chỗ đứng tại các kênh bán lẻ truyền thống và hiện đại, ở cả khu vực đô thị cũng như nông thôn.
Quy hoạch mạng lưới phân phối
Nhận định về tiềm năng của thị trường nông thôn, bà Phan Lan Chi, Phó Tổng Giám đốc chuỗi siêu thị Lan Chi Mart cho rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong năm nay. Đặc biệt là ở khu vực nông thôn, tiềm năng và cơ hội phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại vẫn còn rất lớn. Chuỗi siêu thị Lan Chi sẽ tiếp tục đầu tư vào chất lượng hàng hóa, cơ sở hạ tầng và trình độ nhân lực để nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng.
Bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc Khu vực miền Bắc, Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam nhận định, để tiếp cận thị trường nông thôn, bên cạnh những mặt hàng thiết yếu như nước mắm, mì chính, dầu ăn, dầu gội đầu, nước rửa bát, bột giặt,... doanh nghiệp cần chú ý những sản phẩm mà thị trường nông thôn chưa có, chẳng hạn như các loại thực phẩm chế biến sẵn. Cùng với chất lượng sản phẩm bảo đảm, một trong những yếu tố quan trọng để thu hút người tiêu dùng khu vực nông thôn là giá cả hợp lý. Đặc biệt, sự minh bạch là yếu tố cốt yếu, bởi hầu hết người tiêu dùng sẵn sàng mua những sản phẩm do nhà bán lẻ tư vấn.
“Chìa khóa” để chiến thắng ở thị trường nông thôn còn bao gồm độ phủ sóng của truyền thông, quảng bá, đặc biệt là quảng cáo trên truyền hình. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải quan tâm các yếu tố như chi phí thiết lập, làm tốt dịch vụ hậu mãi… để giữ uy tín, xây dựng thương hiệu, bà Đặng Thúy Hà nhìn nhận.
Nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia đưa hàng về nông thôn, thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh tổ chức chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, xây dựng mô hình điểm bán hàng với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Cùng với đó là tăng cường các chương trình kết nối cung cầu, giới thiệu các mô hình cung ứng hàng Việt cho người lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất, từ đó kết nối hàng hóa đến người dân tại các vùng nông thôn.
Tại Hà Nội, thời gian tới, Sở Công Thương thành phố sẽ tiếp tục vận động các doanh nghiệp thương mại tổ chức khoảng 200 chuyến bán hàng lưu động đưa về các huyện, xã vùng xa, khu công nghiệp,... tập trung vào những ngày lễ, Tết. Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, để chương trình đạt hiệu quả cao, Bộ Công Thương cần tổ chức quy hoạch mạng lưới phân phối ở vùng nông thôn, giúp doanh nghiệp lấy đó làm cơ sở thiết lập các điểm bán hàng cố định, tạo liên kết vững chắc với thị trường. Các cơ quan quản lý và địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục, mặt bằng kinh doanh để xây dựng hệ thống phân phối, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.