Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng đến tiện ích, an toàn và thân thiện

Việt Nga| 28/07/2018 08:25

(HNM) - Hà Nội muốn xây dựng mô hình đô thị thông minh bền vững mang lại tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân dựa trên nền tảng ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng 4.0...

Ứng dụng công nghệ thông tin trong điều khiển giao thông tại TP Hà Nội. Ảnh: Hoàng Anh


Trung tâm Điều hành thông minh có vai trò đặc biệt

Cũng như nhiều đô thị trên thế giới, Hà Nội đang phải đối mặt với những thách thức về tốc độ đô thị hóa nhanh, các vấn đề về quy hoạch, ùn tắc giao thông, y tế, giáo dục, xử lý ô nhiễm môi trường. Nhưng không chỉ có vậy, theo chia sẻ của Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam Michael Greene, với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, tới năm 2050, khoảng 2/3 dân số toàn cầu sẽ sống trong các đô thị, tạo ra thách thức về phát triển bền vững do nguy cơ thiếu việc làm, giao thông quá tải, ô nhiễm môi trường. Vì vậy, trong bối cảnh đó, cần ứng dụng công nghệ vào phát triển, từ đó giúp xử lý các thách thức từ đô thị hóa. Cũng theo ông Michael Greene, ASEAN đang xây dựng mạng lưới đô thị thông minh và Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng nằm trong số những thành phố đi đầu thí điểm trong khu vực.

Vậy giải quyết các bài toán này như thế nào? Theo ông Lê Quốc Hữu - Kiến trúc sư trưởng về thành phố thông minh (thuộc Tập đoàn Viettel), đô thị thông minh được ứng dụng các công nghệ thông minh từ GIS, 3D; chữ ký số, đến các công nghệ di động; IoT, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo... Viettel cũng đã xây dựng kiến trúc cho đô thị thông minh phát triển bền vững gồm 6 nhóm lĩnh vực trụ cột. Tùy theo nhu cầu, khả năng đầu tư, mỗi địa phương sẽ chọn lựa ra các lĩnh vực chuyên ngành ưu tiên để đưa vào kiến trúc tổng thể cho một giai đoạn nhất định. Nhưng tựu trung lại, quá trình xây dựng đô thị thông minh dựa trên 6 nhóm lĩnh vực trụ cột gồm: Quản trị, con người, cuộc sống, di chuyển, môi trường, kinh tế và cùng với đó là 18 lĩnh vực chuyên ngành. Trụ cột quản trị có vai trò quan trọng, gồm việc xây dựng Trung tâm Điều hành thông minh đóng vai trò đặc biệt vì đây sẽ là nơi tích hợp các lĩnh vực, hệ thống của đô thị với 9 trung tâm chức năng, cụ thể: Giám sát, điều hành giao thông; giám sát, bảo đảm an ninh trật tự công cộng; điều hành ứng cứu khẩn cấp; giám sát điều hành phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; giám sát dịch vụ công; giám sát bảo mật, an toàn thông tin; quản lý thông tin báo chí, truyền thông; hỏi đáp, tiếp nhận ý kiến phục vụ người dân; phân tích dữ liệu.

Số hóa dữ liệu

Theo phân tích, để xây dựng Trung tâm Điều hành thông minh cần xây dựng nền tảng Trung tâm Điều hành thông minh (IOC Platform) - đây được coi là phần “lõi” sau này để phát triển thành nền tảng đô thị thông minh (Smart City Platform) và các hạ tầng kỹ thuật như trung tâm dữ liệu, tường màn hình tấm lớn, mạng trục cáp quang...

Tại phần tọa đàm trong phiên thảo luận chính của Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 diễn ra sáng 13-7, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội đang triển khai chính quyền điện tử và thành phố thông minh bằng những việc làm cụ thể. Đó là, xây dựng các kế hoạch để số hóa toàn bộ dữ liệu hiện có, đồng thời xây dựng những cơ sở dữ liệu cốt lõi phục vụ cho việc điều hành, như cơ sở dữ liệu về dân cư, đất đai... Song song với quá trình này, Hà Nội hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin để xây dựng cơ sở hạ tầng cho việc ứng dụng các dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp cũng như phục vụ cho việc quản lý, điều hành của thành phố. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đang xây hệ thống iParking để quản lý toàn bộ hệ thống điểm đỗ xe tự động; xây dựng hệ thống quản lý điều hành toàn bộ giao thông trên địa bàn.

Chia sẻ với Hà Nội về kinh nghiệm xây dựng dữ liệu chung, bà Samia Melhem, Trưởng ban Phát triển số, Ngân hàng Thế giới, đề cập tới việc tận dụng nguồn dữ liệu trong xây dựng đô thị thông minh, từ đó hướng đến các trung tâm phân tích cấp đô thị là rất quan trọng. Đồng thời, việc thực hiện số hóa dữ liệu đồng bộ, nhất quán cũng sẽ giúp việc quản lý tốt hơn, giúp giảm các thủ tục hành chính cho người dân, chẳng hạn, một số quốc gia đã hướng tới tích hợp và số hóa thông tin cá nhân cơ bản thành vân tay, để từ đó bỏ căn cước công dân…

Những ý kiến góp ý, đề xuất của các chuyên gia, diễn giả trong và ngoài nước về xây dựng, phát triển thành phố thông minh là rất hữu ích và quan trọng, trong bối cảnh Hà Nội đang triển khai chính quyền điện tử và thành phố thông minh. Những thách thức của một siêu đô thị, những vấn đề mà Hà Nội đang gặp phải qua ý kiến tư vấn của các chuyên gia sẽ góp phần giúp Hà Nội tiến dần đến mục tiêu xây dựng thành phố thông minh bền vững đem lại sự tiện lợi, an toàn cho mọi người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng đến tiện ích, an toàn và thân thiện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.