(HNM) - Với nỗ lực đưa
Nhiều di tích được trùng tu
Thi gói bánh chưng tại Lễ hội Đền Hùng năm 2010. Ảnh: Phương An
Ông Nguyễn Tiến Khôi, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Phó trưởng ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2011 cho biết: Để thỏa lòng muôn dân khi về với cội nguồn, trước lễ hội, nhiều công trình thờ phụng đã được trùng tu, xây dựng, điển hình là đền Giếng và đền Hạ. Đền Giếng, tương truyền là nơi công chúa Tiên Dung và công chúa Ngọc Hoa (con gái của Vua Hùng thứ XVIII) thường soi gương, vấn tóc khi theo cha kinh lý qua vùng này. Đền được xây dựng vào thế kỷ thứ XVIII theo dạng chữ "công", sau khi trùng tu vẫn giữ nguyên kiến trúc cũ. Đền Hạ, tương truyền là nơi mẹ Âu Cơ sinh hạ bọc trăm trứng, sau nở thành 100 người con. Kiến trúc đền Hạ kiểu chữ "nhị", gồm hai tòa tiền bái và hậu cung, mỗi tòa ba gian, cách nhau 1,5m. Bên cạnh đó, hồ nước trước đền Lạc Long Quân; trục đường nối sân lễ hội với đường 32C; bãi đỗ xe lớn với sức chứa hàng nghìn xe ô tô; công trình cấp nước từ sông Lô vào các hồ xung quanh di tích nhằm tạo cảnh quan và phòng cháy rừng… cũng đang được hoàn thiện. Tổng kinh phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng Khu di tích lịch sử Đền Hùng năm nay lên tới hơn 400 tỷ đồng, trong đó kinh phí tu bổ đền Giếng do tỉnh Quảng Ninh công đức; đền Hạ do thành phố Hà Nội công đức.
Nhiều di tích được trùng tu, xây dựng, nhiều công trình được mở rộng, nâng cấp, không chỉ giúp cho con cháu về tưởng nhớ tiền nhân, thêm tự hào truyền thống con Lạc cháu Hồng mà còn giúp giảm ách tắc giao thông, bảo đảm trật tự trong mùa lễ hội. "Lễ hội Đền Hùng năm 2011 chắc chắn sẽ diễn ra trong an toàn, trật tự", ông Nguyễn Tiến Khôi khẳng định.
Sẽ có nhiều hoạt động văn hóa
Lễ hội Đền Hùng năm 2011 do tỉnh Phú Thọ chủ trì và có sự tham gia của các tỉnh như Tuyên Quang, Hòa Bình, Nam Ðịnh, Quảng Ngãi, Ðồng Tháp. Nghi lễ cúng tế và dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng được tổ chức tại đền Quốc Tổ Lạc Long Quân, đền Tổ Mẫu Âu Cơ và đền Thượng vào ngày mùng 5, 6 và 10 tháng Ba âm lịch.
Phần hội diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 8 đến ngày 12- 4 (tức từ mùng 6 đến 10 tháng Ba âm lịch) với các hoạt động như: Rước kiệu của các xã vùng ven khu di tích về Đền Hùng; đánh trống đồng, múa sư tử, hát Xoan; triển lãm các hiện vật cung tiến Đền Hùng với chủ đề "Tình cảm của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế với Đền Hùng"; hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh dầy của một số tỉnh, thành phố cùng các hoạt động văn hóa, thể thao, diễn xướng dân gian… Cũng trong thời gian này, tỉnh Phú Thọ sẽ tổ chức khánh thành miếu Lãi Lèn và Liên hoan Tiếng hát làng Xoan (lần thứ 2); Hội chợ Hùng Vương; giải bơi chải trên Sông Lô… Ðặc biệt, vào 21 giờ ngày 11- 4 (mùng 9 tháng Ba âm lịch), pháo hoa tầm thấp sẽ bừng sáng thành phố Việt Trì.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, trong thời gian diễn ra Lễ hội Đền Hùng năm 2011 sẽ có khoảng 5,5 triệu lượt người hành hương về đất Tổ. Vì một mùa lễ hội an toàn, công tác tổ chức được tỉnh Phú Thọ đặc biệt quan tâm. Tỉnh đã thành lập tiểu ban giao thông, vận tải phối hợp cùng với Bộ Giao thông - Vận tải thực hiện phân luồng giao thông từ xa; bố trí các bãi đỗ xe cùng lúc có thể chứa 3.000 xe ô tô, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của khách; lắp đặt 24 điểm gắn camera theo dõi khu vực lễ hội…
Gấp rút hoàn thiện hồ sơ di sản
Cùng với các hoạt động chuẩn bị cho lễ hội, các cơ quan hữu quan cũng đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ đề cử "Tín ngưỡng thờ Hùng Vương" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Phú Thọ cho biết: Ban Xây dựng hồ sơ "Tín ngưỡng thờ Hùng Vương" đã tổ chức 5 hội nghị với Ban Chỉ đạo và các chuyên gia của Hội đồng Di sản quốc gia, các nhà khoa học nhằm thông qua đề cương chi tiết của hồ sơ. Ban Xây dựng hồ sơ cũng đã tiến hành 2 đợt kiểm kê di sản tín ngưỡng thờ Hùng Vương tại hơn 200 di tích thuộc 106 xã của 12 huyện, thành, thị xã; chuẩn bị, hệ thống hóa tư liệu sưu tầm; mua ảnh tư liệu, làm sách "Tuyển tập các công trình nghiên cứu về Hùng Vương"; điều tra, thu thập tư liệu trong và ngoài nước về tín ngưỡng thờ Hùng Vương…
Từ việc kiểm kê di sản tín ngưỡng Hùng Vương, các chuyên gia nhận thấy: "Sự thiêng liêng và đức tin là hai yếu tố cơ bản của tín ngưỡng thờ Hùng Vương. Đến với di tích thờ Hùng Vương như đến bên bàn thờ tổ tiên trong gia đình với ý nghĩa nhà là nước, nước cũng là nhà và ước nguyện của mỗi người cũng là ước nguyện của dân tộc. Do đó, tín ngưỡng và Lễ hội Đền Hùng vừa có sự tập trung, vừa có sức lan tỏa". Nói về tín ngưỡng thờ Hùng Vương, GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho biết: "Vua Hùng đã trở thành một biểu tượng, mang tính tâm linh thống nhất của quốc gia. Việt Nam rất may mắn có một biểu tượng như thế làm chỗ dựa niềm tin trong quá trình xây dựng quê hương, đất nước. Đây là giá trị độc đáo ẩn chứa trong Lễ hội Đền Hùng, không nước nào trên thế giới có được".
Để "Tín ngưỡng thờ Hùng Vương" sớm trở thành di sản văn hóa thế giới, ông Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO cho rằng: Trước mắt, tỉnh Phú Thọ cần tổ chức tốt Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2011. Còn những địa phương có đền thờ các Vua Hùng và các tướng lĩnh thời Hùng Vương cần tổ chức trang trọng các nghi lễ truyền thống, khôi phục các hoạt động văn hóa dân gian, tạo thành phong trào quần chúng tham gia giữ gìn các giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.