(HNM) - Sau khi ba nhà cung cấp dịch vụ di động lớn là Viettel, VNPT/VinaPhone, MobiFone thử nghiệm thương mại dịch vụ 5G tại một số địa phương, có không ít ý kiến cho rằng chỉ nên đầu tư 5G dành cho khu công nghiệp, thành phố thông minh… Song hướng đến khách hàng cá nhân vẫn là hướng phát triển của các nhà mạng thời gian tới bởi đây là những đối tượng mang lại nguồn doanh thu nhanh nhất.
Theo ông Phạm Đức Long, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) động lực chính cho phát triển 5G chính là phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế số mà trong đó 5G để phục vụ cho sản xuất thông minh, như ứng dụng robot hay xe tự hành trong khu công nghiệp. Cùng quan điểm, ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) cho rằng, Viettel sẽ chỉ tập trung phát triển 5G tại các thành phố, những nơi có nhu cầu, các khu công nghiệp, chứ không phải ngay một lúc mở ra cả nước như 4G.
Nói về kế hoạch cụ thể trong năm 2021, ông Phạm Đức Long cho biết, VNPT sẽ tiếp tục triển khai dịch vụ 5G nhưng làm một cách thận trọng và phụ thuộc vào việc Chính phủ thúc đẩy chuyển đổi số, đặc biệt chuyển đổi số tại các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đơn vị vẫn chú trọng phục vụ nhu cầu tiêu dùng số (mua hàng trực tuyến, giải trí, học tập, khám, chữa bệnh…), coi đây là động lực bổ trợ cho triển khai 5G. Ngoài ra, VNPT cũng đánh giá khả năng khai thác 5G để phục vụ nhu cầu internet của các hộ gia đình…
Cho biết việc triển khai 5G của nhà mạng còn phải phụ thuộc vào đấu thầu tần số dành cho 5G, song ông Lê Đăng Dũng cho rằng việc nhà mạng triển khai 5G vẫn phải hướng đến khách hàng cá nhân. Trước hết 5G là công nghệ mới, dịch vụ mới có tốc độ vượt trội, bảo đảm khách hàng trải nghiệm các ứng dụng mới, như ti vi 8K, hoặc phục vụ nhu cầu phẫu thuật từ xa. "Chỉ khách hàng cá nhân sử dụng 5G mới có thể đem lại doanh thu nhanh nhất cho nhà mạng. Hiện giá thiết bị 5G còn cao nhưng theo xu thế, giá thiết bị này sẽ giảm rất nhanh, do vậy năm 2022, dịch vụ 5G sẽ phát triển rất rõ nét ở Việt Nam",ông Lê Đăng Dũng nhận định.
Cùng quan điểm về triển khai 5G, đại diện Tổng công ty Viễn thông MobiFone cho biết, trước mắt 5G vẫn nên hướng phát triển vào khách hàng cá nhân vì đây mới là thị trường đem lại doanh thu nhanh chóng cho nhà mạng. Do vậy, trong quý II-2021, MobiFone sẽ cung cấp ra thị trường một số ứng dụng trên 5G cho người dùng di động, như ứng dụng Cloud Gaming (game trên hạ tầng đám mây)…
Hiện ngoài phục vụ công tác điều hành chống dịch của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống giao ban trực tuyến giữa Bộ Y tế và các bệnh viện có liên quan, các nhà mạng đã tặng dung lượng data cho khách hàng cài đặt ứng dụng Bluezone, nâng gấp đôi băng thông cáp quang cho khách hàng hộ gia đình học tập, giải trí trực tuyến, góp phần nâng cao ý thức của người dân và xã hội trong công tác phòng, chống dịch bệnh... Đây cũng chính là những nền tảng quan trọng, là "cầu nối" để giúp mạng 5G thời gian tới sẽ thâm nhập nhanh và sâu hơn vào đời sống người dân...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.