(HNM) - Đến giờ có thể nói, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019 đã diễn ra suôn sẻ, không có sự cố lớn, chưa phát hiện vụ việc tiêu cực nào (như ở tỉnh Hà Giang, Sơn La... hồi năm 2018). Các mục tiêu đặt ra cho kỳ thi cơ bản được đáp ứng. Đó là kết quả thi thể hiện đúng chất lượng giáo dục; có sự phân hóa phù hợp để vừa dùng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, vừa cung cấp dữ liệu làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.
Phổ điểm các môn cho thấy rõ hơn sự đánh giá về chất lượng giáo dục. Chẳng hạn môn tiếng Anh - một trong hai môn có kết quả thấp so với các môn khác, có sự phân hóa lớn giữa các vùng miền. Ở những thành phố lớn có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, môn tiếng Anh được đưa vào giảng dạy sớm nên điểm trung bình cao hơn cả nước; trong khi ở các địa phương miền núi phía Bắc, điểm thi môn tiếng Anh tụt sâu, là nguyên nhân kéo điểm trung bình môn này của cả nước xuống mức thấp.
Hay ở môn lịch sử, nguyên nhân điểm trung bình thấp là do số thí sinh chọn môn này trong tổ hợp xét tuyển đại học không nhiều (thực tế những thí sinh chọn môn lịch sử trong tổ hợp xét tuyển đại học có điểm trung bình từ 5 trở lên chiếm tỷ lệ cao). Điều này phản ánh thực tế việc dạy và học lịch sử còn bị "khô cứng" thiếu sinh động, nên học sinh ngại học.
Nếu so sánh với những kỳ thi trung học phổ thông trước, kể từ khi việc thi "hai trong một" được tổ chức, thì kỳ thi năm 2019 đã có những bước điều chỉnh ở cách tổ chức, ra đề... để bám sát mục đích kỳ thi hơn. Đặc biệt, sức ép về tính nghiêm túc, thực chất ngày càng cao, sự giám sát của dư luận xã hội ngày càng chặt, buộc ngành Giáo dục và các địa phương phải có sự nỗ lực chuẩn bị nhiều hơn, coi đây là cơ hội để vực dậy niềm tin sau những vụ gian lận thi cử gây chấn động vừa qua.
Nhiều bài học đã được rút ra sau mỗi kỳ thi, chẳng hạn sắp tới phải đổi mới thế nào để môn lịch sử trở nên sinh động chứ không chỉ là những bài học chay, những con số khô khan, khiến học sinh sợ... học hoặc ngại không dám chọn thi. Làm thế nào để duy trì kết quả đã đạt được nhưng cũng phải từng bước thu hẹp khoảng cách về đầu tư cho giáo dục giữa các vùng, miền... Nhưng hơn hết, mỗi nhà giáo, mỗi nhà trường, mỗi học sinh và gia đình phải loại bỏ tư tưởng thành tích, bảo đảm sự nghiêm túc trong dạy, học và thi cử. Mỗi kỳ thi là một cuộc đánh giá chất lượng dạy và học, từ đó chỉ ra mặt được, mặt hạn chế để khắc phục, để việc dạy và học tốt hơn, chứ không phải là bảng thành tích để khoe hay tính sự hơn, thua.
Năm học mới sắp tới, những người có trách nhiệm sẽ tiếp tục công cuộc đổi mới toàn diện việc dạy và học, với cái đích hướng tới là từng bước giảm áp lực thi cử cho học sinh, gia đình và xã hội. Việc học không chỉ có "nhồi nhét" kiến thức mà còn phải làm sao giáo dục cả nhân cách, văn hóa, đạo đức, kỹ năng sống có ích và trách nhiệm. Khi việc thi cử không còn quá áp lực, con đường vào đại học không còn là "cánh cửa" duy nhất bước vào đời của mỗi thí sinh, thì nỗi lo tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục không còn là câu chuyện phải bàn mỗi mùa thi.
Lịch sử thi cử đã có nhiều bài học chống tiêu cực và bệnh thành tích. Vì vậy, kỳ thi trung học phổ thông không chỉ là cuộc sát hạch đối với thí sinh sau 12 năm học, mà còn là cuộc sát hạch với ngành Giáo dục và các địa phương trong chống lại bệnh thành tích, hướng đến kết quả thực chất, giá trị đích thực và trách nhiệm với giáo dục nước nhà.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.