Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng đến chuẩn mực

Gia Khánh| 29/03/2023 06:44

(HNM) - Thời gian qua, cơ quan công an đã triệt phá nhiều băng nhóm núp bóng công ty luật, công ty mua bán nợ, có hành vi đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người vay nợ, làm mất an ninh trật tự. Trên mạng xã hội cũng xuất hiện thông tin “tố cáo” một số nhân viên công ty tài chính có dịch vụ cho vay tiêu dùng có hành vi đe dọa khách hàng chậm trả nợ...

Ngược lại, các công ty tài chính cho hay, bên cạnh khách hàng gặp khó khăn thực sự, không ít đối tượng gian lận, lừa đảo đã cố tình kêu gọi, lôi kéo, xúi giục khách hàng không trả khoản nợ vay trên truyền thông. Đáng chú ý, có hiện tượng khách hàng tận dụng tính lan truyền nhanh và rộng rãi của mạng xã hội, đưa thông tin không đúng bản chất, bóp méo hình ảnh thu hồi nợ của các công ty tài chính, khiến uy tín của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, chế tài với khách hàng cố tình chây ỳ chưa hiệu quả, việc khởi kiện ra tòa cũng khó khăn vì thông thường giá trị khoản vay thấp, dẫn đến tình trạng khách hàng từ chối cuộc gọi thu nợ, bất hợp tác, từ chối trả nợ tăng lên rất nhiều. Đã có đơn vị rơi vào tình trạng “không dám cho vay” và “không thể đòi nợ” bởi những lệch lạc của thị trường. Tương tự, khách hàng có nhu cầu thực sự sẽ khó tiếp cận với dịch vụ tài chính chính thống. Về lâu dài, nếu không chấn chỉnh kịp thời, dịch vụ cho vay tiêu dùng từ các công ty tài chính - một lĩnh vực vô cùng hữu ích và cần thiết đối với người dân - sẽ bị tiêu cực hóa.

Vậy phải làm gì để khắc phục tình trạng trên? Theo các chuyên gia, trước hết, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần cương quyết trấn áp hoạt động thu hồi nợ manh động hay đòi nợ kiểu “xã hội đen”, bởi hoạt động này ảnh hưởng rất xấu đến những công ty tài chính làm việc nghiêm túc và tuân thủ pháp luật. Cùng với đó, các công ty tài chính cũng phải rà soát, chấn chỉnh khâu thu hồi nợ, bao gồm cả quy trình, đội ngũ nhân viên; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khách hàng, quản trị rủi ro.

Về phần mình, cơ quan quản lý cũng cần rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động cho vay tiêu dùng, phục vụ đời sống, đồng thời tạo điều kiện cho công ty tài chính phát triển lành mạnh.

Ngoài ra, cần có thêm các công cụ hỗ trợ công ty tài chính triển khai thu hồi nợ đối với khách hàng trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Bài học từ những quốc gia có thị trường tài chính phát triển là xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư, chấm điểm tín dụng công dân... Cơ quan quản lý nhà nước có thể hỗ trợ các công ty tài chính kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định thông tin khách hàng vay, từ đó giảm thiểu nguy cơ gian lận, trốn nợ.

Việc truyền thông về cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng cũng cần được đẩy mạnh đến mọi tầng lớp nhân dân, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu hơn về lợi ích của các kênh tín dụng chính thức, góp phần chuyển tải vốn đến người dân hiệu quả nhất, cũng như nhận thức hệ lụy, hậu quả của “tín dụng đen”. Có như vậy, người dân chung tay cùng doanh nghiệp tài chính, bên vay hợp tác với bên cho vay trả nợ đúng hạn, xử lý những vấn đề phát sinh trên cơ sở pháp luật và nguyên tắc có vay có trả. Đơn vị tài chính có cơ hội phát triển sản phẩm tiện lợi, đa dạng, phát triển mạng lưới rộng khắp và tạo điều kiện cho người dân vay, trả nợ thuận lợi, thu hồi nợ văn minh, đúng quy trình.

Đây là chuẩn mực mà thị trường tài chính cho vay tiêu dùng cần hướng tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hướng đến chuẩn mực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.