(HNM) - Xuân mới mở ra mùa lễ hội, thường nghe chuyện bài trừ hủ tục. Như khi còn trong năm Giáp Ngọ đã rộ lên chuyện ứng xử với nghi thức "chém lợn" từng diễn ra trong một lễ hội ở Bắc Ninh. Giáp Tết Ất Mùi, ngành văn hóa ban bố kế hoạch kiểm tra việc tổ chức lễ hội, khẳng định lại những gì đáng gọi là hủ tục cần bãi bỏ, như "biếu tiền cho tượng", đốt đồ mã bừa phứa…
Hủ tục, nghĩa thông thường là phong tục, tập quán, thói quen đã lỗi thời, lạc hậu, ít nhiều để lại hậu quả cho xã hội, gây cản trở cho tiến trình phát triển nói chung. Phần lớn những gì được liệt kê là hủ tục trong thời gian qua có liên quan đến lễ hội, việc thờ cúng rõ tính mê tín dị đoan, những nghi thức không còn phù hợp trong đời sống hiện đại. Những điều bất tiện khác, những thói quen xấu hình thành và tác oai tác quái ngay trong thời chúng ta đang sống thì ít được nhắc tới với tên gọi "hủ tục" dù chúng xứng đáng bị loại bỏ.
Mới hôm qua, Bộ Y tế công bố kết quả tổng hợp tình hình khám chữa bệnh trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 trên phạm vi toàn quốc. Điều đáng lưu ý là số vụ tai nạn giao thông tuy không tăng so với Tết Giáp Ngọ nhưng số người chết vì tai nạn giao thông lại tăng. Qua 5 ngày Tết, tại Hà Nội, riêng Bệnh viện Việt - Đức tiến hành cấp cứu cho hơn 600 bệnh nhân, trong số này có gần 80% là người bị tai nạn - hơn một nửa là tai nạn giao thông. Theo thông tin từ Ủy ban Quốc gia về an toàn giao thông thì số vụ và số người chết vì tai nạn giao thông chủ yếu liên quan đến việc di chuyển bằng ô tô, xe máy, nguyên nhân chính là người tham gia giao thông, điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia; người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, chở ba - bốn người, lạng lách, vượt đèn đỏ…
Xét theo nghĩa hủ tục, liên quan đến tai nạn giao thông, việc sử dụng rượu, bia quá đà, không tuân thủ Luật Giao thông trong những ngày lễ, Tết là loại hủ tục "hai trong một". Ép nhau say khướt trong những dịp gặp gỡ đầu xuân là một thói quen xấu. Cứ ngày lễ, Tết, tranh thủ cảnh sát giao thông "giãn việc" là không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy, vượt đèn đỏ, "kẹp ba", đó cũng là một thói quen xấu. Liên quan đến việc kiểm tra, kiểm soát an toàn giao thông và việc chấp hành luật, còn có chuyện cơ quan chức năng "lờ đi" hoặc không phạt khi người tham gia giao thông vi phạm luật giao thông trong những ngày đầu năm mới hoặc dịp lễ trọng. Thói quen đó bắt nguồn từ ý tốt là không muốn người dân "rông cả năm", giúp họ duy trì cảm giác hưng phấn, vui vẻ trong những ngày nghỉ lễ, Tết nhưng vô tình làm ảnh hưởng đến việc duy trì kỷ cương, xét cho cùng cũng là một thói quen cần phải bỏ.
Hủ tục không phải là điều gì đó ở xa ta, là những gì xưa cũ, mà đang xuất hiện ngay trong thời chúng ta đang sống. Đó có thể là những trào lưu ảnh hưởng đến thói quen ứng xử của rất nhiều người, nhưng cũng có thể là thói quen không phù hợp hình thành và được chấp nhận trong một nhóm xã hội, suy cho cùng đều tạo ảnh hưởng không có lợi cho tiến trình phát triển. Có lẽ, ngoài hình thức xử lý hành chính đối với hành vi vi phạm theo pháp luật hiện hành, những gì liên quan cần được đưa vào nội dung phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa một cách cụ thể, ở cả tổ dân phố và cơ quan, đơn vị nhằm tạo hiệu ứng sâu rộng bài trừ những hủ tục và trào lưu, thói quen xấu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.