(HNMO) – Nếu lạm phát vẫn ở dưới mức 4,5% trong tháng 9 thì nhiều khả năng Ngân hàng nhà nước (NHNN) sẽ cắt giảm thêm lãi suất thị trường mở để kích cầu nội địa.
Lãi suất có thể sẽ giảm nếu lạm phát ở mức thấp. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Báo cáo trên nhận định, Việt Nam đang đi trên làn đường tốc độ chậm trong quá trình hồi phục kinh tế. Sau giai đoạn tăng trưởng khá vững chắc từ tháng 9/2013, chỉ số nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất (PMI) của Việt Nam giảm đáng kể trong tháng 8,xuống mức 50,3 điểm. Vì thế, hoạt động trong tháng sau sẽ tiếp tục ảm đạm do hàng tồn kho còn cao và các đơn hàng ít. Chỉ số lạm phát toàn phần tiếp tục giảm thêm, xuống mức 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái do nhu cầu nội địa yếu. Trừ thực phẩm, áp lực về giá khá thấp và lạm phát cơ bản giảm xuống còn 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 8, từ mức 5,1% của tháng 7.
Dù tăng chậm lại, nhưng “chúng tôi vẫn không quá lo ngại cho ngành sản xuất Việt Nam bởi nhiều khả năng ngành này sẽ lại tăng tốt vào quý 4 năm 2014” - HSBC cho hay.
Theo ngân hàng này, các hoạt động đầu tư mới vào Việt Nam sẽ sớm đi vào thực hiện và lực cầu ở thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam là Mỹ, đã cho thấy dấu hiệu hồi phục. Tuy nhiên lực cầu nội địa trong tương lai vẫn còn kém. NHNN đã hạ lãi suất thị trường mở 50 điểm, xuống còn 5% để hỗ trợ lực cầu nội địa. “Nếu lạm phát toàn phần và lạm phát cơ bản tiếp tục giảm thì nhiều khả năng NHNN sẽ cắt giảm thêm lãi suất để kích cầu nội địa” - HSBC dự báo.
Bộ Tài chính đang tiến hành những biện pháp có thể để hỗ trợ nền kinh tế. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp được cắt giảm để hỗ trợ các doanh nghiệp và thu hút vốn đầu tư FDI vào sản xuất, đặc biệt là với các công ty công nghệ cao. Trong tháng 1 năm 2014, thuế suất đã giảm xuống còn 22% từ mức 25% và đến năm 2016, sẽ được giảm xuống mức 20%. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực và vùng ưu tiên của chính phủ còn được hưởng mức thuế nhiều ưu đãi hơn nữa. Các ưu đãi về thuế cộng với tốc độ tăng trưởng GPD chậm làm gia tăng mối quan ngại về ngân sách của Việt Nam. Năm 2013, thâm hụt ngân sách đã tăng lên 5,5%1 GDP từ mức 5,4% GDP trong năm 2012.
Xét về lĩnh vực thì thuế doanh nghiệp, thuế nhập khẩu và doanh thu từ dầu là nguồn thu chính của ngân sách. Năm nay, thu ngân sách Việt Nam đã tăng trở lại.
Theo nhận định của HSBC, với chi ngân sách không thay đổi, nhiều khả năng thâm hụt ngân sách sẽ ổn định, không tăng nếu không muốn nói là còn có khả năng được cải thiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.