(HNM) - Mỗi khi giá cả thị trường leo thang là người bệnh lại nơm nớp lo. Thực tế, thời gian qua đã có nhiều loại thuốc tăng giá từ 10% đến 30% khiến người bệnh nghèo không đủ tiền mua thuốc. Giải bài toán này, mỗi địa phương có một cách, TP Hồ Chí Minh thì triển khai quỹ bình ổn giá thuốc còn Hà Nội kiểm soát chặt giá thuốc…
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, muốn giá thuốc bình ổn bền vững thì vẫn phải giải quyết từ gốc. Cách làm "hớt ngọn" hiện nay chỉ là giải pháp tình thế.
Bù lỗ hay kiểm soát giá?
TP Hồ Chí Minh vừa triển khai quỹ bình ổn giá thuốc với mức kinh phí ban đầu là 9 tỷ đồng. Các đơn vị tham gia bình ổn giá phải bảo đảm chất lượng hàng hóa, dự trữ đầy đủ, bán đúng số lượng và giá bán ra đúng kế hoạch, yêu cầu đột xuất của chương trình; chịu trách nhiệm và chấp hành các chế tài khi không tuân thủ, vi phạm những quy định đã cam kết.
Mặt hàng thuốc được đưa vào chương trình bình ổn giá chỉ giới hạn ở những loại thuốc mà phần đông người dân sử dụng như các thuốc giảm đau, hạ sốt, chống dị ứng, kháng sinh, kháng viêm, thuốc nhỏ mắt, trị tiêu chảy, trị bệnh đau dạ dày, trị ho, thuốc tim mạch, trị tiểu đường. Những mặt hàng thuốc này được sản xuất trong nước tại các nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP-WHO (thực hành sản xuất tốt), bảo đảm chất lượng. Giá bán của các nhóm thuốc trong chương trình bình ổn phải thấp hơn giá bán của sản phẩm cùng loại trên thị trường ít nhất 10%. Lượng thuốc trong chương trình có khả năng cân đối cung cầu cho người dân thành phố, kể cả trong trường hợp có xảy ra biến động, nhu cầu sử dụng thuốc tăng cao. Trong trường hợp giá nguyên, vật liệu, chi phí đầu vào biến động tăng cao hơn 15% so với thời điểm đơn vị đăng ký giá bán bình ổn thì các đơn vị được tăng giá bán. Khi điều chỉnh tăng giá phải đăng ký lại giá bình ổn với các cơ quan chức năng. Trường hợp thị trường biến động giảm giá từ 5% trở lên, các đơn vị phải đăng ký điều chỉnh giảm giá tương ứng dù các nhà thuốc tham gia bình ổn sẽ phải chịu thiệt thòi.
Luật Dược và các thông tư, nghị định hướng dẫn đã quy định từ 6 tháng đến một năm, cơ quan chức năng phải công bố giá thuốc tối đa một lần. Tuy nhiên, sau 5 năm luật ra đời đến nay, giá thuốc tối đa vẫn chưa được công bố. Hoạt động đấu thầu thuốc vào bệnh viện hiện cũng khó kiểm soát về giá (trên thực tế, một số mặt hàng có giá đấu thầu cao hơn giá thị trường). |
Tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Yên cho biết, thuốc là hàng hóa đặc biệt, người dân mua thuốc không mấy ai mặc cả. Vì thế, để giải pháp bình ổn hiệu quả thì phải kiểm soát chặt giá. Hà Nội rất chú trọng đến hoạt động thanh, kiểm tra, kiểm soát giá thuốc. Trong tháng 3 vừa qua, ngành y tế Hà Nội đã kiểm soát 4.936 lượt mặt hàng thuốc tại trung tâm bán buôn dược phẩm, trong đó, chỉ có 193 mặt hàng tăng giá, 19 mặt hàng giảm giá, số còn lại không có sự biến động về giá. Ngành cũng kiểm soát chặt sự tăng giá bằng cách không giải quyết những trường hợp doanh nghiệp đề nghị tăng giá từ 15% trở lên so với giá cũ đã kê khai.
Kê đơn theo tên gốc
Quỹ Hỗ trợ bình ổn giá thuốc tại TP Hồ Chí Minh chỉ triển khai trong một năm, nếu khả thi mới triển khai tiếp. Theo ý kiến của một đại diện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), cách bình ổn giá thuốc thông qua quỹ như tại TP Hồ Chí Minh mới nghe thì có vẻ phù hợp, nhất là trong tình cảnh giá cả thị trường tăng như hiện nay. Người bệnh được hỗ trợ giá thuốc nếu các nhà thuốc thực hiện đúng cam kết. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là trên thực tế, giá thuốc bán lẻ có được các nhà thuốc bán thấp theo đúng cam kết hay không? Điều này đòi hỏi sự kiểm tra, quản lý chặt chẽ, nếu không, đây lại là cơ hội để một số cơ sở trục lợi bằng cách mua thuốc giá rẻ từ các doanh nghiệp sản xuất thuốc nhưng lại bán ra với giá cao, không giảm như cam kết… Cũng theo vị đại diện này thì mô hình trên khó có thể được áp dụng cho các địa phương khác vì địa phương phải có nguồn kinh phí lớn để có thể bù lỗ cho doanh nghiệp.
Ngày 28-4, Hiệp hội Sản xuất, kinh doanh dược Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến nay đã có trên 70% tổng số mặt hàng thuốc ngoại tại Việt Nam tăng giá, trong đó 50% thuốc nhập khẩu và 100% thuốc sản xuất trong nước. Thuốc nhập khẩu tăng giá 5-8%, thuốc sản xuất trong nước 10-40%. Theo quan sát của hiệp hội từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4, có 240 trong số 4.000 loại thuốc, giá đã tăng từ 3 đến 30%. |
Cách giúp người bệnh bớt khó khăn trong tình hình giá cả các mặt hàng đều tăng như hiện nay của Hà Nội có tính ổn định lâu dài hơn nhưng vẫn chưa phải là giải pháp "gốc". Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Văn Yên, để bình ổn được giá thuốc bền vững thì giải pháp cơ bản vẫn phải là đẩy mạnh hoạt động sản xuất thuốc trong nước. Khi sản xuất ra nhiều thuốc với nhiều chủng loại thì giá sẽ rẻ (hiện thuốc sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng khoảng 51%), từ đó có thể chủ động bình ổn giá khi có biến động giá thuốc nhập ngoại. Cũng cần đẩy mạnh việc xây dựng các nhà thuốc thực hành thuốc tốt (GPP). Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã có 1.620 nhà thuốc đạt GPP, chiếm hơn 90%. Tuy thế, giải pháp thúc đẩy sản xuất cũng không dễ triển khai vì 90% nguyên liệu sản xuất và phần lớn nguyên liệu để làm bao bì thuốc sản xuất trong nước vẫn phải nhập khẩu.
Trong khi chờ những giải pháp lâu dài, để giúp người bệnh đỡ gánh nặng về giá thuốc cao, việc có thể làm ngay là ban hành quy chế bắt buộc bác sỹ kê đơn thuốc cho bệnh nhân phải kê theo tên gốc (generic), tránh trường hợp bác sỹ móc ngoặc với trình dược viên kê tên thuốc biệt dược có giá cao (vì giá cao thì hoa hồng sẽ cao), thay vì loại rẻ hơn nhưng có cùng tác dụng. Chẳng hạn, một dược chất Paraxitamol có đến trên 200 tên khác nhau, mỗi tên là một giá, nếu bác sỹ kê đơn là Paraxitamol thì giá rất rẻ, trong khi chất lượng không thua kém. Cách nói trên không khó thực hiện và kiểm soát, nhưng lâu nay lại không triển khai được, phải chăng vì lợi ích nhóm?
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hiện đã triển khai 325 điểm bán thuốc bình ổn giá (gồm 115 nhà thuốc tư nhân, số còn lại là nhà thuốc bệnh viện và đại lý thuốc thuộc các công ty dược phẩm đặt tại các huyện). Người bệnh có thể nhận biết điểm bán thuốc bình ổn qua băng rôn treo trước mỗi nhà thuốc. Có 10 nhóm thuốc trị các bệnh thông thường và mãn tính như giảm đau, hạ sốt, chống dị ứng, tiêu chảy, trị ho, đau dạ dày, tim mạch, tiểu đường, kháng sinh, kháng viêm và thuốc nhỏ mắt… của 4 công ty (gồm Domesco, Dược 3/2, Euvipharm và Glomed) được bán bình ổn rẻ hơn giá thị trường khoảng 10%. Đặng Loan |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.