Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Hốt bạc” từ nuôi ba ba

Phúc Bản| 05/01/2010 07:12

(HNM) - Với giá bán ngay tại ao hiện tại là 380.000 đồng/kg đối với giống ba ba trơn và tới hơn 800.000 đồng/kg ba ba gai, người nông dân nuôi con đặc sản này ở nhiều huyện ngoại thành Hà Nội như Đông Anh, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Chương Mỹ... đang có mức thu nhập cao. Tuy nhiên, nuôi ba ba không phải là một nghề mà nông dân nào cũng có thể làm được bởi ngoài kinh nghiệm, kỹ thuật, họ còn phải là người có vốn lớn.

Đầu tư nuôi ba ba và chăm sóc đúng kỹ thuật sẽ cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Lan Xuân


Gia đình ông Trần Công Bằng ở làng Vĩnh Thượng, xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên đang nuôi hơn 3.000 con ba ba trơn và gai ở 20 ao, với tổng diện tích hơn 2.500m2, sau hơn 2 năm kiên trì chăm bẵm (nuôi ba ba phải sau 2 đến 3 năm mới đạt trọng lượng chuẩn là 3kg, cho thu hoạch được) ông đã thu được hơn 1,3 tỷ đồng, sau khi trừ mọi chi phí, ông thu lãi hơn 700 triệu đồng. Không riêng ông Bằng, ở làng Vĩnh Thượng, xã Khai Thái còn có 13 hộ khác nhiều năm nay quyết tâm "sống chết" với nghề nuôi ba ba. Hàng chục năm nay, lúc nào ba ba Vĩnh Thượng cũng đắt hàng, cầu luôn lớn hơn cung. Đến mùa thu hoạch, từ tháng 3 đến tháng 10 hằng năm, thương lái thường điện thoại đặt hàng, mua trọn cả ao. Nếu như tính toán tốt, thu nhập từ nghề nuôi ba ba thường cao hơn 10 lần so với nuôi cá chép, cá quả và tới hơn 20 lần so với trồng lúa.

Giá cả ổn định, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ngày càng tăng, mức lãi thu được rất đáng kể đối với người nông dân. Thế nhưng việc mở rộng quy mô nuôi thả con đặc sản này vẫn còn là điều khó khăn đối với nhiều người chăn nuôi. Theo ông Đinh Văn Bài ở xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, để có được 100 con ba ba thương phẩm, người nuôi phải có trong tay ít nhất 70 triệu đồng đầu tư xây bể, ao nuôi, mua thức ăn... và phải tính đến nguồn vốn này sẽ đọng ở con ba ba trong vòng 2 đến 3 năm, bởi ba ba trơn phải sau 2 năm và ba ba gai là 3 năm mới đạt trọng lượng chuẩn, được người tiêu dùng ưa thích. Người nuôi lại phải hết sức kiên trì, thường xuyên làm vệ sinh bể, ao nuôi. Ngoài ra, khâu chọn và chế biến thức ăn cho ba ba cũng đòi hỏi người nuôi phải có kiến thức và rất kỳ công, tỉ mỉ, có như vậy ba ba mới không nhiễm bệnh. Nhưng loại thức ăn phù hợp nhất với ba ba hơn cả là cá mè tươi được xay nhuyễn, trộn với bột đậu tương rồi đem hấp, cho ba ba ăn ngay trong ngày. Để bảo đảm nguồn thức ăn cho 200 cặp ba ba bố mẹ, 400 con ba ba thương phẩm, mỗi ngày ông Bài phải mua hơn 50kg cá mè, 7kg đậu tương. Đây chính là khoản đầu tư không nhỏ mà không phải hộ chăn nuôi nào ở nông thôn cũng đáp ứng được.

Cho ba ba ăn cũng là cả một "nghệ thuật", theo ông Trần Công Bằng, người nuôi phải biết hôm nay trời nóng nó ăn nhiều, ngày mai trời mát hơn ăn sẽ ít hơn. Nếu cho ăn đánh đồng, ngày nào cũng như ngày nào thì ngày nóng sẽ thiếu, ba ba không lớn hết cỡ, còn cho ăn nhiều vào ngày mát, thức ăn tồn đọng trong nước dễ gây ô nhiễm. Kỹ thuật nuôi ba ba tương đối tỉ mỉ, cầu kỳ lại đòi hỏi nguồn vốn đầu tư tương đối lớn nên dù đang là sản phẩm được thị trường ưa chuộng, nhiều hộ nông dân ở Hà Nội vẫn khó mở rộng quy mô nuôi. Vì vậy, ba ba trơn và ba ba gai thời gian tới vẫn là mặt hàng cầu lớn hơn cung trên thị trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Hốt bạc” từ nuôi ba ba

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.