(HNM) - Việc đổi mới hoạt động của các hợp tác xã, đặc biệt là hợp tác xã sản xuất theo chuỗi đã góp phần khẳng định vai trò của chủ thể này trong phát triển nền kinh tế. Mô hình cũng thể hiện kết quả của quá trình tái cơ cấu, nâng cao giá trị của ngành Nông nghiệp Thủ đô trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay. Vậy làm cách nào để nhân rộng các hợp tác xã sản xuất theo chuỗi?
Những thành công bước đầu
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai) Đỗ Văn Kiên cho biết, tham gia chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao của Hà Nội từ năm 2012, đến nay, hợp tác xã đang duy trì 400ha trồng lúa bắc thơm số 7 và gần 250ha lúa nếp cái hoa vàng. Hợp tác xã đã liên kết với Công ty cổ phần Giống cây trồng trung ương, Công ty cổ phần Gạo Bảo Minh trong việc cung ứng giống, chuyển giao công nghệ gieo trồng và ký kết với một số công ty để tiêu thụ ổn định sản phẩm cho nông dân.
Năm 2019, chuỗi lúa gạo của Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng được Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội lựa chọn hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị. Theo đó, hợp tác xã được hỗ trợ về máy móc, thiết bị, bộ nhận diện thương hiệu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến...
Hay như Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn), xuất phát từ nhu cầu cùng liên kết sản xuất chè sạch theo hướng an toàn, đến nay đơn vị này đã xây dựng được chuỗi sản xuất, chế biến, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Bắc Sơn Đào Thị Quý chia sẻ, hiện hợp tác xã đã liên kết với các hộ dân của xã Bắc Sơn, Xuân Giang, Trung Giã canh tác 250ha chè sạch. Các hộ tham gia liên kết được hỗ trợ giống, vật tư, thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Từ việc tham gia chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn, giá trị sản phẩm chè của hợp tác xã tăng từ 17% đến 25%, trung bình đạt từ 300 đến 400 triệu đồng/ha...
Đó là hai trong số những hợp tác xã nông nghiệp của Hà Nội xây dựng thành công chuỗi liên kết. Đánh giá về mô hình này, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Lê Văn Thư nhận định, toàn thành phố hiện có 89 hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị, tập trung chủ yếu ở khâu liên kết sản xuất, ứng dụng khoa học, kỹ thuật…
Đặc biệt, sản phẩm làm ra đạt chuẩn về chất lượng lẫn mẫu mã, nhờ đó, giá trị sản phẩm tăng từ 10% đến 20% so với sản xuất thông thường. Trong năm 2020, Liên minh Hợp tác xã thành phố sẽ phối hợp với các địa phương xây dựng ít nhất 5 hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị.
Gỡ vướng để nhân rộng...
Thực tế cho thấy, số hợp tác xã nông nghiệp hoạt động theo chuỗi ngày một tăng trong những năm gần đây, tuy nhiên chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Đan Phượng (huyện Đan Phượng) Chu Văn Hòa, để xây dựng được mô hình sản xuất theo chuỗi hợp tác xã, cần sự hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là nguồn vốn.
“Năm 2019, Liên minh Hợp tác xã thành phố giúp các hợp tác xã vay vốn ưu đãi với tổng số tiền 80 tỷ đồng. Nếu chia đều cho hơn 1.000 hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thì con số này quá nhỏ so với nhu cầu về nguồn vốn, đặc biệt với các đơn vị phát triển mô hình chuỗi khép kín...” - ông Chu Văn Hòa nhấn mạnh.
Ở điểm nhìn khác, ông Nguyễn Phi Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Dương Liễu (Hà Nội) cũng nêu khó khăn, hiện chưa có nhiều hợp tác xã được giao đất, nhiều hợp tác xã nông nghiệp chuyển đổi chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên khó có thể mở rộng cũng như tiếp cận nguồn vốn…
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường cho biết, năm 2019, ngành Nông nghiệp đã hỗ trợ thành lập mới 13 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có một số hợp tác xã xây dựng mô hình chuỗi. Đồng thời, ngành cũng hỗ trợ các hợp tác xã tham gia hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại để tìm kiếm cơ hội đầu tư, mở rộng thị trường tiêu thụ...
Về nguồn vốn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Lê Văn Thư khẳng định: “Trong năm 2020, Liên minh sẽ triển khai hỗ trợ 125 tỷ đồng cho các hợp tác xã thành viên vay ưu đãi từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã và Chương trình quốc gia giải quyết việc làm. Đồng thời phối hợp với ngân hàng giúp các hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn ưu đãi".
Còn về mặt bằng sản xuất, kinh doanh, tại Nghị định 107/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21-11-2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã, Chính phủ yêu cầu, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành rà soát nhu cầu, thực hiện đo đạc, cắm mốc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản trên đất cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tại địa phương theo quy định của pháp luật đất đai. Việc này đang được UBND các huyện, thị xã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội triển khai, khi hoàn thành sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn cho các hợp tác xã...
Đặc biệt, hiện các sở, ngành thành phố đã tham mưu UBND thành phố Hà Nội xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025, theo đó sẽ có những chính sách tháo gỡ cho các hợp tác xã, nhất là hợp tác xã nông nghiệp theo chuỗi…
Bên cạnh sự hỗ trợ nêu trên, để nhân rộng mô hình hợp tác xã sản xuất theo chuỗi giá trị, các hợp tác xã cần chủ động tăng cường các giải pháp liên kết vùng sản xuất nguyên liệu, phát triển mạng lưới bán lẻ… bởi đây là những nền tảng cơ bản để phát triển mô hình này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.