Nông nghiệp - Nông thôn

Hỗ trợ hội viên, nông dân liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị

Bạch Thanh ghi 27/12/2023 - 12:06

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 là diễn đàn để các đại biểu bày tỏ nguyện vọng, cũng như đưa ra các đề xuất, kiến nghị... góp phần xây dựng giai cấp nông dân và tổ chức Hội Nông dân vững mạnh. Phóng viên Báo Hànộimới lược ghi ý kiến một số đại biểu.

Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed- Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo:

Đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp

screenshot-62-.png
Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo.

Là doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, tôi mong các chính sách đầu tư vào lĩnh vực nông sản được cụ thể, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc. Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách, cơ chế hợp tác giữa doanh nghiệp với nông dân. Nông dân là người sản xuất, doanh nghiệp là đơn vị chuyển giao và tiêu thụ. Cần có cơ chế để các doanh nghiệp có thể liên kết, hợp tác, phát triển sản phẩm của nông dân một cách thuận lợi. Điều này sẽ là động lực góp phần vào sự phát triển của ngành Nông nghiệp.

Về phía Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, nên có thêm nhiều kết nối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nên có văn kiện hợp tác giữa hiệp hội doanh nghiệp với Trung ương Hội.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La Nguyễn Huy Anh:

Vận động nông dân phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị

Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Tỉnh ủy Sơn La về "Phát triển nông nghiệp xanh, nhanh và bền vững"; "Phấn đấu đưa Sơn La sớm trở thành trung tâm chế biến nông sản của vùng Tây Bắc", các cấp Hội Nông dân tỉnh Sơn La tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp cụ thể, sát với tình hình thực tế.

26-12-ct-hnd-son-la.jpg
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La Nguyễn Huy Anh.

Đáng chú ý, Hội trực tiếp và phối hợp với các sở, ngành, doanh nghiệp xây dựng các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân đạt hiệu quả cao. Cùng với tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân về vốn, vật tư, cây giống, con giống, kiến thức, công nghệ sản xuất, chế biến và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, Hội cũng chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm hỗ trợ nông dân tỉnh.

Hội tập trung chỉ đạo xây dựng chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp theo nguyên tắc "5 tự" và "5 cùng" gắn với xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị. Đồng thời, Hội chủ động phối hợp, tham mưu thực hiện hiệu quả Chương trình phối hợp giữa Tỉnh ủy Sơn La và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam giai đoạn 2022-2025 và các chương trình phối hợp với các đơn vị liên quan, trong đó tập trung tuyên truyền, vận động, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh cho hội viên nông dân.

Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa:

Chọn 2 khâu đột phá là chuyển đổi số và liên kết sản xuất để hỗ trợ nông dân

ct-hnd-ha-noi-26-12.jpg
Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa.

Thời gian tới, Hội Nông dân Hà Nội xây dựng 3 chương trình công tác và 6 đề án. Ba Chương trình bao gồm: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền và xây dựng tổ chức Hội các cấp vững mạnh toàn diện nhiệm kỳ 2023-2028; Nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, hỗ trợ nông dân khởi nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp, tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; Chương trình nghĩa tình nông dân Thủ đô đoàn kết và chia sẻ.

Đặc biệt, Hội Nông dân thành phố xác định 2 đột phá, gồm chuyển đổi số (Tuyên truyền, chuyển đổi nhận thức, kỹ năng về chuyển đổi số cho hội viên, nông dân; xây dựng các mô hình hỗ trợ nông dân chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm) và liên kết sản xuất nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển các mô hình hợp tác, liên kết để sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, sản xuất tập trung quy mô lớn...

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường:

Tiếp sức nông dân đưa nhiều nông sản lên "sàn"

screenshot-63-.png
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường.

Hà Nội có rất nhiều nông sản chất lượng cao, trong đó nhiều sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP của địa phương và quốc gia. Sàn thương mại điện tử không chỉ là kênh tiêu thụ sản phẩm an toàn, hiệu quả mà còn giúp xây dựng thương hiệu nông sản cho các hợp tác xã, doanh nghiệp...

Tuy nhiên, hiện số lượng nông sản tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử còn khiêm tốn. Các tổ chức, cá nhân mới tiếp cận sàn thương mại điện tử nên còn nhiều bỡ ngỡ; việc chăm sóc gian hàng chưa được chú trọng; giá bán chưa phù hợp với biến động của thị trường...

Mặt khác, việc ứng dụng nền tảng số, bán hàng thông qua phương thức phát hình ảnh trực tiếp (livestream) cũng như cách thức tham gia và hoạt động trên nền tảng sàn thương mại điện tử… cũng chưa được triển khai thường xuyên...

Sau Đại hội, bà con, hội viên trên địa bàn thành phố rất mong được tiếp sức đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, các kênh/ mạng xã hội uy tín để tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ hội viên, nông dân liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.