(HNM) - Những năm qua, hoạt động hợp tác xã, đặc biệt là hợp tác xã nông nghiệp chuyển biến tích cực cả về lượng và chất. Linh hoạt bắt nhịp với xu thế thị trường, các hợp tác xã nông nghiệp đang phát huy vai trò tiên phong trong ứng dụng công nghệ, đạt hiệu quả kinh tế lớn...
Hợp tác xã Đan Phượng (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội) là một trong những hợp tác xã điển hình của Hà Nội và cả nước về đổi mới hoạt động. Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Đan Phượng Chu Văn Hòa cho hay: Hợp tác xã Đan Phượng được thành lập từ năm 1965.
Từ đầu thập kỷ 60, hợp tác xã đã là một trong những đơn vị dẫn đầu phong trào làm thủy lợi, năng suất lúa đạt cao ở khu vực miền Bắc. Thực hiện chuyển đổi theo quy định qua từng giai đoạn, khi Luật Hợp tác xã năm 2012 ra đời, Hợp tác xã Đan Phượng lại trở thành đơn vị đầu tiên của huyện Đan Phượng thực hiện chuyển đổi.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Đan Phượng Chu Văn Hòa cho hay: Hiện, tổng nguồn vốn của hợp tác xã là 11,3 tỷ đồng với doanh thu năm 2018 đạt 20,4 tỷ đồng. Kết quả này nhờ hợp tác xã tích cực đổi mới phương thức hoạt động, phát huy vai trò “cầu nối” liên kết với nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài huyện. Một trong số đó là việc đứng ra thuê đất của 119 hộ thành viên với diện tích 5,2ha; sau đó, giao lại cho một hợp tác xã trong huyện tổ chức sản xuất. Ngoài ra, hợp tác xã cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành những vùng rau/hoa chất lượng cao, đạt từ 400 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/ha…
Theo Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Lê Đức Thịnh, ngoài Hợp tác xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng, Hà Nội), những năm qua, nhiều hợp tác xã nông nghiệp tích cực đổi mới hoạt động với các mô hình hiệu quả. Điển hình là Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Long Thành Phát (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) đã hợp tác với 4 công ty cung cấp dịch vụ đầu vào - đầu ra, thành lập một hợp tác xã với 28 thành viên, quy mô sản xuất 24 trại chăn nuôi gà thịt xuất khẩu…
Theo thống kê của Bộ NN& PTNT, tính đến hết năm 2018, cả nước có 13.856 hợp tác xã nông nghiệp, tăng 5.769 hợp tác xã so với năm 2002. Trong đó, có 55% số hợp tác xã nông nghiệp được phân loại "khá", "tốt"; doanh thu bình quân đạt hơn 1,6 tỷ đồng/hợp tác xã; lãi suất trung bình đạt 203,5 triệu đồng/hợp tác xã nông nghiệp; nhiều hợp tác xã nông nghiệp đạt vài tỷ đồng/năm. Đáng ghi nhận, số hợp tác xã liên kết tiêu thụ sản phẩm cho xã viên ngày càng tăng (khoảng 24,5%) và 520 mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, bên cạnh chuyển biến tích cực, hoạt động đổi mới của một số hợp tác xã nông nghiệp còn chậm, chưa phát huy vai trò kinh tế tập thể tại địa phương, nguồn vốn hoạt động của nhiều hợp tác xã còn thấp…
Để khắc phục và phát huy vai trò hợp tác xã nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vai trò, vị thế của hợp tác xã. Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan có kiến nghị và linh hoạt áp dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp tác xã phát triển; tăng cường nguồn vốn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, đặc biệt, hỗ trợ đắc lực các hợp tác xã nông nghiệp chuyển đổi, định hướng thị trường…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.