(HNM) - Thời gian qua, Nhà nước có nhiều chính sách sửa đổi, tạo điều kiện cho các hợp tác xã nông nghiệp chuyển đổi, mở rộng dịch vụ ngành nghề. Tuy nhiên, do
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), hiện cả nước có 19 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp (tăng 1 liên hiệp so năm 2015) và có 10.756 hợp tác xã nông nghiệp. Tuy nhiên, vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật của hợp tác xã đều yếu kém nên không thể mở rộng dịch vụ, chưa đáp ứng nhu cầu của thành viên hợp tác xã.
Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Bá Đồng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thượng Vực (huyện Chương Mỹ) cho biết: Khó khăn lớn nhất đối với các hợp tác xã nông nghiệp là không có vốn để mở rộng sản xuất mặc dù tham gia một số dịch vụ cung cấp vật tư nông nghiệp cho thành viên. Đặc biệt, hợp tác xã không có trụ sở, phải làm việc nhờ một phòng của UBND xã, nên rất khó khăn trong hoạt động.
Tương tự, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Hà chia sẻ: Trên địa bàn huyện có 83 hợp tác xã, trong đó 24 hợp tác xã nông nghiệp, nhưng đều khó khăn do doanh thu các ngành dịch vụ thấp. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực điều hành, tổ chức sản xuất kinh doanh của đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã còn yếu và bất cập. Nhiều cán bộ hợp tác xã nông nghiệp chưa có kỹ năng xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, chủ yếu hoạt động bằng tâm huyết, nhiệt tình và kinh nghiệm, thiếu tầm nhìn định hướng sản xuất, kinh doanh và khả năng nắm bắt thông tin, thiếu khả năng dự báo thị trường. Các chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã chưa nhiều; một số chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể chưa được các cấp, các ngành thực hiện kịp thời, thiếu đồng bộ; những vướng mắc về đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hợp tác xã còn chậm giải quyết...
Để hợp tác xã nông nghiệp phát huy hiệu quả, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Hợp tác xã năm 2012 và hướng dẫn, quy định các chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới cho cán bộ, thành viên, nhằm nâng cao nhận thức về hợp tác xã kiểu mới. Về điều này, ông Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho rằng: Các hợp tác xã khi thành lập phải xuất phát từ nhu cầu liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các thành viên; hội đồng quản trị phải gắn bó, đoàn kết, có trình độ hiểu biết, chủ động nghiên cứu, tìm hiểu thị trường và đối tác; có khả năng tổ chức, điều hành sản xuất, kinh doanh; công khai, minh bạch trong các hoạt động, nhất là vấn đề tài chính...
Còn theo ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, huyện đang chỉ đạo các phòng chức năng, hướng dẫn các xã tạo điều kiện thuận lợi để hợp tác xã có mặt bằng trụ sở, sản xuất kinh doanh.
Lúc này, từ thực tế hoạt động của các hợp tác xã cho thấy, các sở, ngành cần tham mưu cho thành phố những cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động hợp tác xã nông nghiệp về vốn; đồng thời, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ hợp tác xã về: Kiến thức quản lý chuyên môn, kinh tế thị trường, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho thành viên... nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp và tạo đà cho hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.