Giáo dục

Hợp tác trường đại học - doanh nghiệp: Đôi bên cùng có lợi

Thu Hằng 29/10/2024 - 07:26

Thúc đẩy hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp mang lại lợi ích cho cả hai bên, góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.

Do đó, theo các chuyên gia, hai bên cần phân tích nhu cầu của nhau, tận dụng cơ hội để liên kết, đẩy nhanh sự phát triển của nhau và vì sự phát triển chung của đất nước.

quang-canh-le-ky-ket-hop-ta.jpg
Quang cảnh lễ ký kết hợp tác giữa Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông và Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Xu thế tất yếu

Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, các trường đại học không chỉ là trung tâm đào tạo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn là trung tâm nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, chuyển giao tri thức.

Về phía doanh nghiệp, sự tiến bộ của khoa học và công nghệ đã tạo ra môi trường kinh doanh cạnh tranh khốc liệt. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp không ngừng đầu tư cho nguồn nhân lực, công nghệ quản trị và sản xuất. Doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc ứng dụng kết quả nghiên cứu mà còn chủ động sáng chế, phát triển và nghiên cứu công nghệ mới. Chính lợi thế mang tính bổ sung này mà trường đại học và doanh nghiệp có nhiều cơ hội tăng cường hợp tác nhằm giải quyết những mối quan tâm của nhau một cách hiệu quả.

Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp, Đại học Quốc gia Hà Nội Trương Ngọc Kiểm chia sẻ, việc hợp tác giữa trường đại học với doanh nghiệp là một xu thế tất yếu, đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của xã hội. Mối quan hệ liên kết này được thể hiện sâu rộng ở nhiều khía cạnh khác nhau trong hoạt động giáo dục, đào tạo của nhà trường và sản xuất, kinh doanh, vận hành của doanh nghiệp.

Thời gian qua, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đẩy mạnh việc liên kết, hợp tác toàn diện với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như: VinGroup, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông… Bình quân mỗi năm có hàng nghìn sinh viên được tặng học bổng từ các doanh nghiệp; các nhà khoa học và các đơn vị thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội triển khai đề tài/chương trình/dự án lớn phục vụ cộng đồng và theo đặt hàng của doanh nghiệp.

Đại học Bách khoa Hà Nội cũng không ngừng tăng cường mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp. Điều này được thể hiện thông qua những thỏa thuận hợp tác chiến lược, chương trình hợp tác nghiên cứu, chủ trương tổ chức phòng thí nghiệm dùng chung giữa nhà trường và doanh nghiệp, cũng như các đề tài nghiên cứu đặt hàng từ doanh nghiệp. Đơn cử như: Thỏa thuận hợp tác giữa Đại học Bách khoa Hà Nội với Viettel, Tập đoàn FPT, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam…

Là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong hoạt động nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ với viện nghiên cứu, trường đại học, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Kết cho biết, Rạng Đông đang đi trên con đường chuyển đổi kép - chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Để làm được điều này doanh nghiệp xác định phải luôn đổi mới sáng tạo. Quá trình này phải kể đến những đóng góp của các nhà khoa học từ các viện nghiên cứu và trường đại học. “Doanh nghiệp là nơi để các nhà khoa học triển khai các ý tưởng mới, ứng dụng ngay vào sản xuất và đào tạo đội ngũ tri thức của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Đoàn Kết nhấn mạnh.

Hướng đến lợi ích chung

Theo đánh giá của các nhà khoa học, mặc dù nhiều trường đại học và doanh nghiệp đã chủ động hợp tác với nhau nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế và còn nhiều hạn chế. Cụ thể là: Hợp tác của các trường đại học thời gian qua chủ yếu là ở hoạt động đào tạo, cung ứng lao động cho doanh nghiệp. Hợp tác trong nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu còn hạn chế.

Bên cạnh đó, mối quan hệ hợp tác này còn mang tính ngắn hạn hoặc gắn với tư tưởng nhiệm kỳ, chưa cam kết bảo đảm duy trì nguồn nhân lực và chất lượng đào tạo đồng đều ở sinh viên. Chưa có các hợp tác đạt được thành công mang tính dài hạn giữa các bên. Về phương thức, các trường đại học chủ yếu thực hiện hình thức nhận tài trợ từ doanh nghiệp. Vai trò hỗ trợ của doanh nghiệp đối với đào tạo sinh viên còn mờ nhạt...

Nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp trong điều kiện Việt Nam hiện nay, góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, hướng đến lợi ích chung, các cơ quan nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, thúc đẩy sự hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp. Nhà nước cần có chính sách, cơ chế phối hợp chặt chẽ về nguồn nhân lực giữa trường đại học và doanh nghiệp; tăng quyền tự chủ cho các trường đại học. Ngoài ra, cũng cần quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin về nhu cầu đào tạo và hỗ trợ các trường đại học trong quá trình đào tạo.

Các trường đại học cần có sự tham khảo nhu cầu thị trường và doanh nghiệp để từ đó xây dựng khung chương trình, hình thức đào tạo, đánh giá sinh viên... phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và yêu cầu của doanh nghiệp trong từng giai đoạn. Đẩy mạnh kết nối giữa nhà trường, doanh nghiệp và cựu sinh viên. Thậm chí, cơ sở đào tạo cũng nên tổ chức những hoạt động liên kết giữa các doanh nghiệp trong hệ thống mạng lưới với nhau, vừa để thúc đẩy thêm nhiều mối quan hệ, vừa gia tăng cơ hội hợp tác của hệ sinh thái doanh nghiệp trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hợp tác trường đại học - doanh nghiệp: Đôi bên cùng có lợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.