Là trường đại học công lập thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học của thành phố, những năm qua, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực Thủ đô.
Đặc biệt, trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nhà trường ngày càng khẳng định vai trò trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, góp phần bảo đảm số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên phổ thông trên địa bàn thành phố. Để hiểu thêm về nội dung này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Đỗ Hồng Cường, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.
Đào tạo sư phạm là một trong 4 nhóm nhiệm vụ quan trọng
- Năm 2024 có ý nghĩa thế nào với Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, thưa ông?
- Năm 2024 đánh dấu chặng đường 65 năm xây dựng và phát triển của nhà trường. Được thành lập từ năm 1959, tiền thân là Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, đến nay, nhà trường đã phát triển mạnh mẽ, trở thành cơ sở đào tạo, giáo dục, bồi dưỡng nguồn nhân lực đa ngành, đa lĩnh vực thuộc trình độ đại học và trên đại học.
Nhà trường cũng là đơn vị triển khai các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tư vấn chính sách, nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Năm nay là năm đầu tiên nhà trường chính thức triển khai Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định 4 nhóm lĩnh vực quan trọng gồm: Sư phạm; văn hóa và con người Hà Nội; kinh tế và đô thị; công nghệ và môi trường. Với từng nhóm lĩnh vực, nhà trường đã xác định các giải pháp phù hợp để thực hiện hiệu quả.
- Như vậy, đào tạo bồi dưỡng giáo viên được xác định là một trong 4 lĩnh vực cơ bản được đề ra trong Chiến lược phát triển nhà trường. Nhiệm vụ này được triển khai thế nào để bảo đảm đủ số lượng và chất lượng giáo viên, nhất là khi quy mô giáo dục Hà Nội lớn nhất cả nước và liên tục tăng?
- Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên được nhà trường xác định là nhiệm vụ rất quan trọng, thể hiện thông qua chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho thành phố ngày càng được nâng lên và được tin tưởng. Hà Nội là một trong số ít các địa phương thực hiện nhiệm vụ đặt hàng đào tạo giáo viên. Bắt đầu từ năm học 2021-2022, trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao hơn 700 chỉ tiêu tuyển sinh đại học các ngành sư phạm. Nhiệm vụ này được duy trì cho đến nay với chỉ tiêu được giao hằng năm tăng.
- Ông có thể cho biết việc triển khai Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25-9-2020 của Chính phủ, quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm đã được thực hiện thế nào tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội?
- Nhà trường luôn chăm lo đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cho ngành Giáo dục Thủ đô, đặc biệt là trong việc thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP. Theo đó, các sinh viên theo học ngành sư phạm được miễn hoàn toàn học phí và được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng tiền sinh hoạt phí. Chính sách này đã tạo sức hút giúp nhà trường nâng cao chất lượng tuyển sinh, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo các ngành sư phạm của trường.
Với sự quan tâm của UBND thành phố, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội là một trong số những cơ sở đào tạo giáo viên thực hiện tốt việc chi trả chế độ, chính sách cho sinh viên sư phạm. Đến nay, nhà trường đã chi trả gần 100 tỷ đồng chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm các năm 2021, 2022 và 2023 theo đúng quy định.
- Ông đánh giá thế nào về chất lượng đào tạo sinh viên sư phạm theo “đơn đặt hàng” trong những năm qua?
- Thực tế cho thấy, với việc được quan tâm hỗ trợ học phí và chi phí học tập, sinh viên sư phạm các ngành đều rất phấn khởi và có thêm động lực học tập. Nghị định số 116/2020/NĐ-CP cũng góp phần thu hút nhiều học sinh có học lực tốt hơn đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào sư phạm. Hiện nay, để có thể trúng tuyển vào các ngành sư phạm, sinh viên phải có điểm trúng tuyển trung bình là 8,3 điểm/môn (tổ hợp xét tuyển 3 môn).
Kết quả trên cho thấy, Nghị định số 116/2020/NĐ-CP đã thúc đẩy nhu cầu học tập sư phạm của nhiều học sinh, từ đó giúp các trường đào tạo sư phạm có nhiều cơ hội để lựa chọn được những sinh viên có năng lực, tâm huyết với nghề dạy học.
Nỗ lực giải quyết những vấn đề “nóng” của ngành Giáo dục
- Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai tới năm cuối cùng của chu kỳ đầu tiên, song cũng như nhiều địa phương, Hà Nội vẫn đứng trước khó khăn về việc thiếu giáo viên cục bộ. Được ví như “cỗ máy cái” của giáo dục Hà Nội, giải pháp nào đang được nhà trường triển khai, thưa ông?
- Để bảo đảm chất lượng dạy học đáp ứng tốt yêu cầu của chương trình mới, thời gian qua, nhà trường đã phối hợp với 30 quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội rà soát, thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên theo quy định của Luật Giáo dục. Thời điểm này, về cơ bản nhiệm vụ này đã được hoàn thành, bảo đảm các giáo viên mầm non của Hà Nội đều có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên.
Bên cạnh đó, nhà trường xác định phát triển chương trình đào tạo theo định hướng đào tạo giáo viên là cốt lõi, tập trung phát triển các ngành trong lĩnh vực đào tạo giáo viên (mầm non, tiểu học và trung học); đồng thời tiếp tục hoàn thiện các chương trình đào tạo trong lĩnh vực đào tạo giáo viên bậc trung học cơ sở nhằm đáp ứng việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các trường trên địa bàn thành phố, trong đó chú trọng việc đào tạo giáo viên đáp ứng việc dạy học các môn học mới như khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý…
- Về lâu dài, nhà trường có cách nào để thực hiện chủ trương đặt hàng đào tạo giáo viên bảo đảm chất lượng và sát nhu cầu?
- Nghị định số 116/2020/NĐ-CP thể hiện sự quan tâm thiết thực của Đảng, Nhà nước đối với ngành đào tạo sư phạm, đồng thời thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao gắn bó với ngành Giáo dục. Thực tế triển khai tại nhà trường từ năm 2021 đến nay cho thấy những thay đổi rõ nét về chất lượng đội ngũ sinh viên sư phạm. Mỗi năm, chất lượng “đầu vào” của các ngành sư phạm lại có chuyển biến rõ nét thông qua mức tăng của điểm chuẩn. Hà Nội rất quan tâm bố trí nguồn kinh phí thỏa đáng cho việc thực hiện chính sách này. Năm học 2024-2025 là năm thứ tư nhà trường thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP với chỉ tiêu gần 2.000 sinh viên sư phạm. Để bảo đảm chủ trương đặt hàng đào tạo hiệu quả, đáp ứng nhu cầu cả về số lượng, chất lượng, nhà trường đang phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát nhu cầu về nguồn lực giáo viên giai đoạn 2026-2030.
- Dư luận xã hội nhiều lần đề cập đến bất cập trong đào tạo giáo viên khi nhiều sinh viên ra trường không hiểu tâm lý học sinh, dẫn đến những ứng xử chưa phù hợp. Giải pháp nào trong đào tạo sư phạm tại trường được triển khai để hạn chế bất cập, thưa ông?
- Nhà trường đặc biệt quan tâm xây dựng, điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo sư phạm đáp ứng với những yêu cầu của đổi mới giáo dục phổ thông cũng như mong mỏi của phụ huynh học sinh. Bên cạnh việc trang bị kiến thức, nhà trường rất coi trọng nội dung thực hành giáo dục cho sinh viên sư phạm. Khác với nhiều trường, sinh viên Trường Đại học Thủ đô Hà Nội được đi thực tập từ năm thứ 2. Yêu cầu đối với mỗi sinh viên là thực tập ở nhiều mô hình trường (công lập, ngoài công lập), ở nhiều thời điểm trong năm học với các hoạt động phong phú; đồng thời mỗi sinh viên đều được thực hành ở một trường phổ thông có chất lượng. Nhà trường còn đặc biệt quan tâm đầu tư vận hành hiệu quả trường thực hành sư phạm. Nhờ vậy, sinh viên tốt nghiệp đều bảo đảm kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ sư phạm, sẵn sàng đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.