(HNM) - Hà Nội là "đất trăm nghề" với nhiều làng nghề truyền thống tồn tại đã hàng trăm năm nay, mang đậm các giá trị văn hóa, lịch sử. Song việc kết hợp giữa phát triển du lịch và làng nghề trên địa bàn thành phố còn rất khiêm tốn.
Làm thế nào để kết nối làng nghề với các tour du lịch, khách du lịch muốn gì khi đến với làng nghề và làng nghề cần làm gì để thu hút du khách… Đó là những vấn đề được Sở Công thương và Sở VH-TT&DL Hà Nội phối hợp tìm cách tháo gỡ.
Vẫn chỉ là tiềm năng
Theo bà Đào Thu Vịnh, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, toàn thành phố hiện có 1.350 làng nghề, trong đó có 272 làng nghề được công nhận và 266 làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống. Năm 2010, giá trị sản xuất tại các làng nghề đạt trên 7,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 8% tổng giá trị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của toàn thành phố, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 100 triệu USD/năm và tạo việc làm cho hơn 600 ngàn lao động. Trong số hơn 200 làng nghề truyền thống, chiếm 1/4 số làng có tuổi đời trên 100 năm, mang đậm các giá trị văn hóa, lịch sử và 116 nghệ nhân. Đó là nguồn tài nguyên dồi dào để khai khác vào các hoạt động du lịch.
Khách tham quan, mua sắm tại làng nghề gốm sứ Bát Tràng. Ảnh: Bảo Lâm |
Tại làng nghề gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm), ông Lê Xuân Phổ, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề của xã cho hay, Bát Tràng là một trong ít làng nghề được thành phố quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch tương đối đồng bộ: có xe buýt từ Hà Nội chạy tới tận xã, có cảng đường sông thuận lợi cho du khách đi bằng đường thủy. Hằng năm, Bát Tràng đón một lượng lớn khách đến tham quan mua sắm. Thế nhưng, niềm vui đó chưa trọn vẹn bởi nhiều khi khách về đông quá, chúng tôi lại đâm lo. Có lúc, xã phải tiếp đón 2-3 nghìn du khách đến theo các tour. Đối với khách du lịch nước ngoài, họ rất muốn ở lại Bát Tràng qua đêm để được xem thực tế cảnh đốt lò nung gốm, nhưng cũng đành chịu vì địa phương không bố trí được chỗ ăn nghỉ. Tương tự như ở Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) vốn là làng cổ, đường sá chật hẹp, khi đông khách, ô tô đỗ dọc đường làng kín cả lối đi. Rồi các công trình phụ cận hỗ trợ việc đón tiếp du khách còn rất thiếu, ảnh hưởng không nhỏ đến khai thác tiềm năng du lịch. Đó là hai làng được đánh giá là thành công nhất trong kết hợp giữa du lịch và phát triển làng nghề. Còn lại, các làng nghề khác như cụm làng nghề mây tre đan ở Chương Mỹ, khảm trai Chuyên Mỹ, thêu Quất Động, nón làng Chuông, sơn mài Hạ Thái… dù cũng được đầu tư phát triển du lịch từ những năm 2003-2004 và có tên trong tour của các hãng lữ hành, song thực tế khách du lịch rất thưa thớt.
Nối tour du lịch đến các làng nghề
Đưa làng nghề vào khai thác phát triển du lịch đã thành công ở nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên, ở Hà Nội việc tổ chức vẫn chưa chuyên nghiệp. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, người dân ở các làng nghề rất muốn được làm du lịch, nhưng họ vẫn chưa được cung cấp các kiến thức về du lịch, từ việc giao tiếp đến sáng tạo các sản phẩm thủ công phục vụ du lịch. Ông Nguyễn Trọng Tú, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành Hà Nội cho rằng: "Người dân tại các làng nghề hiện nay chưa được trang bị kiến thức về tiếp thị, khách du lịch, chưa được hướng dẫn cách làm ra những sản phẩm hấp dẫn để cuốn hút du khách. Kết quả là khách du lịch đến tham quan nhưng không biết phải tham quan cái gì, không hiểu gì về văn hóa cũng như tập quán sản xuất của địa chỉ tham quan do đó họ không thấy thú vị. Chưa kể nhiều khách tham quan còn phàn nàn rằng họ bị "chặt chém", bị đối xử thiếu lịch sự. Cũng theo ông Nguyễn Trọng Tú để hấp hẫn du khách, ngoài việc tuyên truyền, tập huấn, trang bị kiến thức cho người làng nghề về cách marketting sản phẩm, thái độ đón tiếp khách du lịch, việc đầu tư xây dựng hạ tầng các làng nghề cũng cần được quan tâm đặc biệt...
Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Trương Minh Tiến cho rằng để khai thác tốt hiệu quả từ các làng nghề, các công ty Lữ hành mà cụ thể là Câu lạc bộ Lữ hành Hà Nội và các hiệp hội làng nghề địa phương cần ngồi lại với nhau cùng bàn thảo về cách giải quyết, tháo gỡ những vấn đề tồn tại để có sự bổ khuyết cho nhau. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần quan tâm, tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển hạ tầng, quy hoạch, sắp xếp hợp lý làng nghề. Cùng với việc kết nối tour du lịch với các làng nghề, phòng trưng bày sản phẩm làng nghề cũng là một trong những giải pháp để giới thiệu với khách tham quan. Hiện nay, Sở Công thương Hà Nội đã đưa vào hoạt động phòng trưng bày sản phẩm làng nghề Hà Nội có diện tích 306m², các sản phẩm được trưng bày chia làm 10 nhóm: gốm sứ, mỹ nghệ, kim hoàn, thêu thùa, điêu khắc, mây tre… được lựa chọn từ các làng nghề tiêu biểu của thành phố. Theo ông Hoàng Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm Khuyến công, tư vấn và phát triển công nghiệp (Sở Công thương), trung tâm không chỉ là nơi giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề mà còn là địa chỉ kết nối với các tour du lịch; phục vụ du khách có nhu cầu thưởng thức, tìm hiểu sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.