(HNM) - Sau hai ngày làm việc tại Washington (Mỹ), Hội nghị mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã khép lại với kết quả không mấy sáng sủa xoay quanh những căng thẳng thương mại mà Mỹ và Trung Quốc là tâm điểm.
Hội nghị mùa Xuân của WB và IMF đã thông qua gói tài chính 13 tỷ USD nhằm hướng tới việc giảm nghèo trên toàn cầu. |
Tại hội nghị, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cho rằng, tranh chấp thương mại Mỹ - Trung Quốc còn tiềm ẩn nguy cơ gây xói mòn niềm tin của giới đầu tư trên toàn cầu, tạo ra sự hoang mang và cản trở các hoạt động đầu tư - vốn là động lực quan trọng cho đà phục hồi kinh tế thế giới. IMF dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,9% trong năm 2018 và 2019, đồng thời cảnh báo nợ sẽ đạt lên mức kỷ lục, đạt 164 nghìn tỷ USD. Trong bối cảnh ấy, tranh chấp thương mại giữa hai cường quốc leo thang sẽ gây tổn hại liên đới cho các nước nghèo. Vì vậy, hơn bao giờ hết, việc hỗ trợ chống đói nghèo trên quy mô toàn cầu là mục tiêu cấp thiết.
Với quan điểm như vậy, một điểm sáng đã xuất hiện trong hội nghị lần này khi các cổ đông WB chấp thuận tăng 13 tỷ USD vốn góp, và lập tức được Ủy ban Phát triển chung giữa WB và IMF thông qua. Khoản vốn tăng mới dự kiến sẽ được sử dụng cho việc cải tổ nội bộ, thực hiện các biện pháp về chính sách nhằm tăng cường cơ bản năng lực của định chế giảm nghèo toàn cầu. Khi được triển khai, nguồn vốn mới cũng cho phép các định chế tài chính trong nội bộ WB có thể cho vay gần 80 tỷ USD trong tài khóa năm 2019, tức là gấp đôi so với năm 2017. Tới năm 2030, con số này có thể chạm ngưỡng 100 tỷ USD. Qua đó, WB kỳ vọng hoàn thành sứ mệnh tại những khu vực cần sự trợ giúp nhất trên thế giới.
Gói vốn mới được ra đời trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động và các tranh chấp có xu hướng phức tạp hơn. Các quốc gia tuy duy trì thành công tốc độ phát triển, nhưng việc giải quyết các thách thức mới lại đòi hỏi sự nỗ lực và hợp tác do môi trường toàn cầu vẫn còn ẩn chứa nhiều yếu tố bất lợi cùng nhiều biến động đang xảy ra trong quá trình cơ cấu nền kinh tế thế giới. Vì vậy, Chủ tịch WB Jim Yong Kim cho rằng, đợt tăng vốn này có ý nghĩa rất quan trọng bởi sẽ tạo ra tiền đề giải quyết nhiều thách thức chồng chéo đang nảy sinh, cho phép WB tăng cường vai trò dẫn dắt đúng như yêu cầu các cổ đông của ngân hàng này đề nghị trước đó. Việc tăng vốn dự kiến sẽ hoàn tất vào thời điểm năm tài chính mới của WB bắt đầu ngày 1-7 tới. Các quốc gia thành viên có 8 năm để đóng góp cho nguồn quỹ trên. Trong đó, riêng Nhật Bản sẽ góp tới 1,1 tỷ USD, còn Mỹ đang chờ Quốc hội thông qua đề xuất trước khi có thể giải ngân.
Tại hội nghị thường niên được mong chờ của IMF và WB, Giám đốc WTO Roberto Azevedo nhấn mạnh một trong những nguyên nhân cản trở tăng trưởng kinh tế thế giới là những bấp bênh trong quan hệ thương mại giữa các quốc gia, đặc biệt là các nước lớn. Đây cũng là vấn đề không dễ dàng tháo gỡ. Đơn cử, bất đồng quan điểm trong việc giải quyết tranh chấp thương mại đã khiến cuộc họp của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra trong khuôn khổ hội nghị kết thúc mà không ra được tuyên bố chung. Do đó, quyết định tăng vốn để hỗ trợ các nền kinh tế dễ bị tổn thương và chống đói nghèo được đưa ra tại hội nghị là một thành quả quan trọng, cho phép thúc đẩy những phản ứng tốt hơn trước các rủi ro kinh tế có thể phương hại đến sự ổn định và an ninh toàn cầu. Qua đó, thế giới tiến gần hơn đến việc hoàn thành mục tiêu kép về xóa bỏ nghèo đói cùng cực và thúc đẩy chia sẻ thịnh vượng giữa các quốc gia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.