Du lịch

Hợp lực để phát triển du lịch

Hoàng Lân 14/07/2023 - 06:38

Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững (gọi tắt là Nghị quyết số 82) được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành vào ngày 18-5-2023 nêu rõ nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp cho ngành Du lịch để phát triển bền vững. Trong đó, nghị quyết nhấn mạnh đến việc cần xây dựng sản phẩm chủ lực, tăng cường quảng bá, xúc tiến một số thị trường du lịch nước ngoài trọng điểm…

dulich.jpg
Du khách trải nghiệm tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”. Ảnh: Trọng Hiếu

Trải nghiệm của du khách là trung tâm

Nghị quyết số 82 đề ra mục tiêu phát triển trọng tâm, trọng điểm cho ngành Du lịch Việt Nam với phương châm: “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 82 cũng định hướng cần đẩy mạnh cơ cấu ngành Du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; “lấy trải nghiệm của du khách làm trung tâm”, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia, vùng, lãnh thổ có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới.

Để thực hiện tốt nhóm giải pháp này, Chính phủ giao từng nhiệm vụ cho các bộ, ngành; trong đó Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần triển khai thực hiện hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch.

Tại Hội nghị đẩy mạnh triển khai Nghị quyết số 82 của Chính phủ do Hiệp hội Du lịch Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, Cục đã tham mưu, hoàn thiện Kế hoạch hành động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để triển khai thực hiện Nghị quyết số 82. Trong đó, Cục sẽ đẩy mạnh triển khai Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030, phát triển thương hiệu du lịch quốc gia, xây dựng Việt Nam thật sự là điểm đến an toàn, hấp dẫn, nhân văn, hiếu khách, thuận lợi.

“Ngành Du lịch sẽ đẩy mạnh phát triển, xây dựng sản phẩm chủ lực, làm mới loại hình, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch MICE (du lịch kết hợp tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo), du lịch golf, du lịch chữa bệnh, du lịch ẩm thực…”, ông Nguyễn Trùng Khánh khẳng định.

Để phát triển các thị trường du lịch mới, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm; trong đó có tái cấu trúc doanh nghiệp, đổi mới mô hình kinh doanh; phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp với giai đoạn mới. Ngoài đẩy mạnh phục hồi các thị trường chủ lực truyền thống của du lịch Việt Nam (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, Australia…), cần mở thêm các thị trường tiềm năng như: Mỹ, Canada, Ấn Độ, Trung Đông…

Đổi mới truyền thông, quảng bá

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để du lịch phát triển, đạt hiệu quả cao đó là: Xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường khách du lịch quốc tế; đổi mới phương thức, công cụ, ứng dụng công nghệ số trong xúc tiến du lịch; phát huy sức mạnh của truyền thông và tăng cường quảng bá trên mạng xã hội; tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa thị trường có khả năng tăng trưởng nhanh, có nguồn khách lớn, có mức chi tiêu cao và lưu trú dài ngày…

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho rằng, hơn lúc nào hết, ngành Du lịch cần sự liên kết chặt chẽ tất cả nguồn lực của các ngành, đơn vị vận chuyển, lữ hành, điểm đến, các địa phương. “Các hoạt động quảng bá, xúc tiến cần được triển khai đồng bộ ở các địa phương thì mới tạo được sự chuyển biến rõ nét để phát triển du lịch”, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nói.

Về đổi mới hoạt động truyền thông, tạo hiệu quả trong việc phát triển du lịch, thu hút du khách, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, trước mắt, Hiệp hội sẽ tập trung tổ chức Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam (VITM) tại Cần Thơ 2023 vào tháng 12; tiếp tục duy trì định kỳ hằng năm tổ chức Hội chợ du lịch quốc tế VITM tại Hà Nội với nhiều đổi mới, chuyên nghiệp hơn; ứng dụng công nghệ 4.0 trong xúc tiến du lịch để thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp, địa phương và các quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia… Đồng thời, Hiệp hội đẩy mạnh truyền thông trên các kênh đại chúng, mạng xã hội, tăng cường sử dụng truyền thông số cho xúc tiến du lịch.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 1726 về việc ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ do Chính phủ giao. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chủ trì thực hiện việc phổ biến, quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết số 82. Theo đó, ngành Du lịch sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế; phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hợp lực để phát triển du lịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.