Phiến dầm cuối cùng trong tổng số 806 phiến của dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông dài 13,05km đã chính thức được Bộ Giao thông Vận tải hợp long tại ga Văn Khê vào sáng nay (8/10).
Phiến dầm cuối cùng trong tổng số 806 phiến của dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã được hợp long. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+) |
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông (Hà Nội) được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA Trung Quốc. Gói thầu chính của dự án (thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp) do Công ty hữu hạn Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện theo hình thức Tổng thầu EPC.
Dự án bao gồm các hạng mục xây dựng 13km đường sắt đi trên cao, 1,7km ra vào khu depot, đường sắt đôi khổ 1.435m, tốc độ tối đa 80km/giờ; trang bị 13 đoàn tàu 4 toa xe công suất khoảng 1.200 người, tần suất chạy 2 phút/chuyến. Dự án cũng bao gồm 12 ga trên cao, nhà điều hành 9 tầng trong khu depot rộng 23ha.
Đánh giá sự cố gắng vượt bậc của Tổng thầu EPC và các bên liên quan, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho rằng, sự kiện hợp long đã đánh dấu mốc quan trọng hoàn thành lao lắp toàn bộ dầm, làm cơ sở cho lắp đặt thiết bị. Từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thành tất cả khối lượng nhà ga, đường dẫn, gầm cầu. Từ 1/1/2017, Tổng thầu Trung Quốc lắp đặt thiết bị, phấn đấu trong vòng sáu tháng để đến 1/7/2017 tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông vận hành chạy thử và cuối tháng Chín đưa vào khai thác thương mại.
Đề cập đến vấn đề bố trí vốn cho dự án, theo Thứ trưởng Trường, qua chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới Trung Quốc, Chính phủ hai nước đã có cam kết và thống nhất cấp vốn tín dụng cho dự án và đến nay có thể khẳng định vốn cho dự án hoàn toàn đầy đủ, chỉ tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án.
Liên quan đến vấn đề kết nối kỹ thuật giữa các tuyến đường sắt đô thị với nhau, Thứ trưởng Trường cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc với Tổng thầu để cập nhật công nghệ mới nhất cho tuyến đường sắt này, thống nhất công nghệ điều khiển đoàn tàu, hoạt động thao tác hoàn toàn tự động kết nối cho các tuyến đường sắt sau này đặc biệt là thẻ vé có thể dùng chung cho tất cả tuyến đường sắt.
Để sử dụng khai thác hiệu quả tuyến đường sắt và kết nối với các loại hình khác, hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải làm việc với thành phố Hà Nội và Tổng thầu Trung Quốc thành lập Tổ công tác nhằm mục tiêu vận hành khai thác đoàn tàu hiệu quả và an toàn nhất, phối hợp kết nối giữa các tuyến đường sắt và xe buýt và giữa các tuyến xe buýt với nhà ga, sau này là các tuyến đường sắt khác. Bộ Giao thông Vận tải cũng đã lập một sơ đồ vận tải hoàn chỉnh và từng bước thực hiện từ đầu năm 2017.
Trả lời về hiệu quả của dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông khi đưa vào hoạt động, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận, sẽ phải mất một thời gian cho người dân làm quen với loại hình này và hy vọng lưu lượng xe máy đi trên tuyến đường sẽ giảm, tránh được ùn tắc giao thông để từ đó mọi người dân đô thị nhìn nhận thay đổi thói quen chuyển từ xe máy sang vận tải công cộng mà đặc biệt là đường sắt đô thị là hết sức quan trọng.
Để đảm bảo tiến độ của dự án, Thứ trưởng Trường cho rằng cần phải làm rất nhiều vấn đề trong đó gói đấu thầu thiết bị quyết định tiến độ dự án này.
“Bộ Giao thông Vận tải và Ban Quản lý dự án đường sắt tích cực làm việc với Tổng thầu, đưa ra quyết tâm cao trong tháng Mười này toàn bộ hợp đồng thiết bị được thực hiện và sau đó được đấu thầu sản xuất trong vòng 8-10 tháng mới hoàn thiện. Hy vọng đáp ứng tiến độ,” Thứ trưởng Trường nhấn mạnh.
Khẳng định giai đoạn khó khăn nhất đó chính là xây lắp trụ mố, lao lắp dầm trải qua thì xảy ra mất an toàn nhiều nhất, theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, hiện nay, thi công chủ yếu trong nội tuyến đường sắt đó là lắp đặt thiết bị và khu depo. Do đó, Bộ cho Ban Quản lý dự án đường sắt và Tổng thầu thường xuyên cập nhật kỹ thuật an toàn cho đội ngũ công nhân về vận hành an toàn, thiết bị điện, có cảnh báo và lưới an toàn để ngăn vật liệu xây dựng rơi xuống đường... và phối hợp với thành phố Hà Nội phân làn, phân luồng giao thông để đáp ứng được lưu lượng đi lại trên tuyến.
Là đơn vị phụ trách dự án, ông Lê Kim Thành, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt cho biết, trong hơn 1 năm vừa qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và Ban Quản lý dự án đã đặt quyết tâm tìm ra giải pháp chỉ đạo Tổng thầu Trung Quốc triển khai thi công, thực hiện các hạng mục của dự án.
“Những phiến dầm trên 150-240 tấn thực hiện gác thành công trong suốt thời gian qua cuối cùng đã hợp long. Chúng ta có thể lên kiểm tra tuyến từ Cát Linh và đi bộ trên toàn chiều dài công trình dài 13km đến tận điểm cuối tuyến. Đây là phần quan trọng nhất của việc tiến tới hoàn thành hạ tầng cho đoàn tàu chạy,” ông Thành nói.
Nhìn nhận sự phối hợp giữa Tổng thầu Trung Quốc và Việt Nam có những điều khác biệt, quy định khác nhau giữa các quốc gia, theo ông Thành, Ban Quản lý dự án đường sắt khi phát hiện đã bàn bạc đưa ra các giải pháp thực hiện cho công việc. Tất cả phiến dầm lao lắp ban đêm, hàng siêu trường siêu trọng từ vận chuyển, cẩu lắp gác dầm vì ban ngày sẽ ách tắc ảnh hưởng giao thông đô thị đặc biệt là trục đường Cát Linh-Hà Đông và Quốc lộ 6. Có một số điểm lao lắp vô cùng khó khăn như điểm vượt qua đường vành đai 3 có nút giao 4 tầng và đường sắt Cát Linh-Hà Đông vượt trên tầng cao nhất khi cao khoảng 18m.
Nhấn mạnh đến những sai sót của dự án về an toàn lao động, ông Thành cho biết, Ban đã chấn chỉnh kịp thời, liên tục kiểm tra giám sát an toàn lao động, vệ sinh môi trường.
“Những sự việc về mất an toàn lao động xảy ra thực tế không ai mong muốn và không lường trước được đã ảnh hưởng đến người dân tham gia giao thông và uy tín của Tổng thầu và Ban Quản lý dự án đường sắt. Để khắc phục, Ban cũng đã cử cán bộ và Tư vấn giám sát kể cả của Tổng thầu kiểm tra các nhà thầu phụ, yêu cầu phải nghiêm tục thực hiện đảm bảo an toàn vệ sinh, môi trường./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.