Theo dõi Báo Hànộimới trên

Họp báo quốc tế về công tác chuẩn bị Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên

Nguyễn Thúc| 25/02/2019 12:27

(HNMO) - Sáng 25-2, họp báo quốc tế về công tác chuẩn bị Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai đã diễn ra tại Trung tâm Báo chí quốc tế, Thủ đô Hà Nội.


Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì họp báo.



Cuộc họp báo nhằm cung cấp thông tin về tình hình chuẩn bị, công tác bảo đảm cơ sở hậu cần, hạ tầng, truyền thông; cũng như các hoạt động chuẩn bị của thành phố Hà Nội và những thông điệp mà Thủ đô muốn truyền tải liên quan tới Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai.

Mở đầu cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đã cung cấp một số thông tin về công tác chuẩn bị cho Hội nghị. Thứ trưởng Lê Hoài Trung khẳng định, Việt Nam sẽ cung cấp những điều kiện tốt nhất cho Hội nghị.

"Lãnh đạo Việt Nam, nhân dân Việt Nam mong muốn, thông qua việc tổ chức Hội nghị sẽ thể hiện đường lối đối ngoại của Việt Nam là thành viên trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam mong muốn được đóng góp trực tiếp vào quá trình đối ngoại, hòa bình, giải quyết vấn đề tranh chấp quốc tế, đóng góp cho hòa bình. Việt Nam cũng muốn tăng cường vai trò không chỉ của Việt Nam, mà cả cộng đồng ASEAN trong cộng đồng quốc tế hiện nay", Thứ trưởng Lê Hoài Trung phát biểu.

Thứ trưởng Lê Hoài Trung đã trực tiếp thông tin bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt tại cuộc họp báo: "Thông qua Hội nghị, chúng tôi muốn giới thiệu về những thành tựu đổi mới của Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội, thành phố có lịch sử hàng ngàn năm văn hiến, được UNESCO công nhận là 'Thành phố vì hòa bình'".

Theo Thứ trưởng, Việt Nam chỉ được thông báo chính thức về việc tổ chức Hội nghị vào ngày 14-2. Như vậy, cho đến ngày hôm nay, Việt Nam mới có 10 ngày để chuẩn bị. Công việc chuẩn bị liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, bảo đảm cơ sở vật chất, hạ tầng, về thông tin truyền thông, lễ tân và nhiều công việc khác.

Về công tác bảo đảm an ninh cho Hội nghị, Thứ trưởng Lê Hoài Trung khẳng định, Việt Nam đã xây dựng kế hoạch tổng thể và cụ thể, phối hợp với lực lượng an ninh Mỹ và Triều Tiên để triển khai các phương án bảo vệ an ninh, an toàn cho đại biểu khi di chuyển, lưu trú.


Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trả lời báo chí tại họp báo.


Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung bày tỏ niềm vui và tự hào khi Hà Nội được chọn làm nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai. Liên quan đến số lượng nhân sự đảm bảo an ninh cho sự kiện, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố sẽ bố trí đủ lực lượng bảo vệ để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hai nguyên thủ, dự phòng mọi tình huống và phương án xử lý các tình huống. Dù thời gian ngắn nhưng về cơ bản, việc chuẩn bị đã hoàn thành.

"Hà Nội cam kết đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lãnh đạo hai nước dự hội nghị cũng như tất cả các hoạt động tại thành phố", Chủ tịch UBND thành phố khẳng định.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cũng cho biết, tại Trung tâm Báo chí quốc tế, thành phố đã bố trí 4 xe buýt hai tầng, cứ 10 phút một chuyến đưa các phóng viên đến tất cả địa điểm để tác nghiệp miễn phí. Vào các tối ngày 26, 27, 28-2, các buổi biểu diễn của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng Việt Nam chào mừng sự kiện này sẽ được tổ chức tại Tượng đài Lý Thái Tổ bên hồ Hoàn Kiếm. Thành phố cũng có kế hoạch tặng biểu tượng trống đồng Đông Sơn bằng gốm làm quà cho các phóng viên tác nghiệp tại hội nghị.

Cùng với đó, Hà Nội đã nỗ lực để thực hiện việc trang trí đường phố, các địa điểm diễn ra các cuộc họp, gặp gỡ. Thành phố đã lắp đặt 27 màn hình led, 4.000 banner, bảo đảm vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, cấp cứu khi có yêu cầu... Công an thành phố và Bộ Tư lệnh Thủ đô là hai lực lượng chủ chốt được giao nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông cho tất cả hoạt động chính và bên lề của hội nghị. 

“Chính quyền và người dân Thủ đô Hà Nội rất vui và tự hào khi được lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên chọn làm địa điểm tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nước. Sự kiện này càng mang nhiều ý nghĩa khi diễn ra vào thời điểm Hà Nội kỷ niệm 20 năm được UNESCO trao tặng danh hiệu "Thành phố Vì hòa bình". Chúng tôi sẽ làm tất cả để xứng đáng với danh hiệu này. Với bề dày của một thành phố trên ngàn năm tuổi, Hà Nội sẽ là nơi các phóng viên tìm hiểu, khám phá, và chúng tôi mong muốn các bạn coi Hà Nội là quê hương thứ hai. Hà Nội sẽ làm tất cả những gì có thể để đáp ứng tốt nhất hoạt động tác nghiệp của các phóng viên báo chí", Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.


Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thông tin tới báo chí.


Cũng tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đến thời điểm này, đã có gần 3.000 phóng viên quốc tế từ hơn 200 hãng thông tấn, cơ quan báo chí của gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tham gia đưa tin về Hội nghị. Ngoài ra, gần 500 phóng viên của các cơ quan báo chí Việt Nam tham gia sự kiện. 

"Số lượng phóng viên đưa tin về hội nghị lần này lớn hơn nhiều so với Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng năm 2017. Nhưng sự kiện này, vì một số lý do, chúng tôi chỉ có thời gian chuẩn bị hơn 10 ngày", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Theo Bộ trưởng, việc phục vụ số lượng lớn phóng viên trong diện tích hẹp của Trung tâm Báo chí quốc tế là thách thức lớn đối với mạng hệ thống. Thế nhưng, với sự nỗ lực của đội ngũ chuẩn bị, Trung tâm đã hoàn thiện và bảo đảm phục vụ khoảng 4.000 phóng viên tác nghiệp. Tất cả các phóng viên sẽ được cung cấp wifi với tốc độ thấp nhất là 5 MB/s. Trung tâm cũng có gần 1.500 điểm truy cập cố định, tốc độ đường truyền ra quốc tế cho mỗi người dùng là 10 MB/s. Trung tâm cũng được lắp đặt trên 30 trạm phát sóng 2G, 3G và 4G để bảo đảm phóng viên có thể sử dụng điện thoại tác nghiệp mà không bị nghẽn mạng, đồng thời bảo đảm để các kênh truyền hình vệ tinh trực tiếp có thể hoạt động. Hiện đã có 14 hãng thông tấn quốc tế thuê 14 kênh truyền hình vệ tinh tại Hội nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, nhân dịp Hội nghị, Việt Nam cũng sẽ gửi đến từng phóng viên một món quà đặc biệt là bộ tem bưu chính được thiết kế đẹp và ấn tượng để quảng bá về đất nước, con người Việt Nam. Nhằm bảo đảm xử lý mọi tình huống phát sinh một cách nhanh chóng nhất, các cán bộ của Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có mặt liên tục tại Trung tâm Báo chí quốc tế để hỗ trợ các phóng viên.

Đặc biệt, tại Hội nghị, Việt Nam không chỉ bảo đảm cơ sở hạ tầng tối ưu cho các phóng viên tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí quốc tế mà còn phục vụ miễn phí các bữa ăn, trong đó có nhiều món đặc sản của Việt Nam. Đích thân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo đưa các món ăn dân tộc của Việt Nam như nem rán, nem cuốn, phở, bánh khúc, xôi... vào thực đơn phục vụ tại Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: “Hà Nội chào đón các phóng viên quốc tế tới tác nghiệp tại Hội nghị. Đây là cơ hội để các bạn biết đến Hà Nội, biết đến đất nước và con người Việt Nam”. Bộ trưởng hy vọng các phóng viên sẽ cảm nhận được sự trọng thị, tình cảm nồng ấm mà Chính phủ và người dân Việt Nam gửi tới bạn bè quốc tế nhân sự kiện này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Họp báo quốc tế về công tác chuẩn bị Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.