Ưa thích sử dụng phim đen trắng, Peter Steinhauer mang lại những góc nhìn, những cảm xúc mới lạ nhưng lại vô cùng quen thuộc... Hồn Việt trường tồn, một triển lãm của Peter, có thể khiến nhiều người ngạc nhiên trước cách nhìn của một người nước ngoài về Việt Nam.
Peter Steinhauer bên các tác phẩm của mình
Sau triển lãm Chân dung Việt Nam của các nhà nhiếp ảnh Pháp đầu thế kỉ XX, Hồn Việt trường tồn đem lại một cách nhìn mới về đời sống Việt. Những tác phẩm của Peter Steinhauer bộc lộ sự tập trung cao độ của anh trong quan sát, dàn dựng và chụp hình. Những bức ảnh chụp bằng ống kính lớn, các bức đen trắng chính xác đến từng chi tiết nhỏ. Từ chủ thể, bố cục của bức ảnh, cách xử lí ánh sáng của Peter đều gợi nhớ đến những gì xưa cũ. Vẻ đẹp mang tính chiều sâu của Việt Nam, của Hà Nội đã được lưu giữ bằng kĩ thuật hiện đại.
Tác phẩm "Bót Hàng Đậu"
- Có một đặc điểm tương đối dễ nhận thấy là anh thường xuyên sử dụng phim đen trắng. Đặc biệt, trong triển lãm này, tất cả đều là ảnh đen trắng...
- Tôi đã không thể lí giải được tại sao tôi lại thường xuyên tư duy bằng phim đen trắng và cố gắng cắt nghĩa, lưu giữ cuộc sống bằng hai chất liệu này. Thực ra, tôi cũng sử dụng phim màu, trong một số trường hợp đặc biệt. Hồn Việt trường tồn chứa đựng một sức sống riêng, bền bỉ qua nhiều thế kỉ và tôi nghĩ rằng nó đặc biệt thích hợp với phim đen trắng.
Tác phẩm "Thợ mỏ"
- Việt Nam có một vẻ đẹp riêng, có khi thể hiện ngay qua nhữngcon người, những vùng đất hết sức mộc mạc. Tâm hồn, sức sống của một dân tộc cũng tập trung ở đấy. Điều ấy in dấu ấn sâu đậm ở tôi. Chẳng hạn, tôi thích chụp đời sống, văn hóa của người dân tộc thiểu số: Những truyền thống với vẻ đẹp riêng còn nguyên vẹn. Hay những mái nhà, góc phố Hà Nội, nó có một hơi thở riêng, không chỉ chứa đựng nhịp sống hôm nay mà cả hôm qua và nghìn năm trước.
- Anh đã có một thời gian ở Hà Nội. Hà Nội đâu phải chỉ có phố cổ...
- Tôi thích cảm nhận Hà Nội, thành phố kì lạ mà tôi vô cùng yêu quý, qua những điều đơn giản. Thật ra, Hà Nội đang thay đổi từng ngày. Nhưng bên cạnh, nói đúng hơn là giao hòa với sựhiện đại, giàu có, thành phố này vẫn đặc trưng với đời sống riêng, bản sắc riêng. Những bức ảnh trong Hồn Việt trường tồn thể hiện góc nhìn của tôi về Hà Nội ở phần đẹp nhất như tôi cảm nhận.
- Gần mười năm ở Việt Nam, điều gì đã khiếnanh gắn bó với nơi đây ! Và anh đã nghĩ ra ý tưởng về cái tên của triển lãmnày như thế nào ?
- Tôi thích thú với cuộc sống bền bỉ và mạnh mẽ ở đây, một sức sống luôn tiếp nối và tiếp diễn. Tôi ở đây làm việc, quan sát cách người Việt Nam sống và cảm nhận được những khát vọng vươn lên mạnh mẽ, hôm qua tiếp nối hôm nay và chuyển tới ngày mai. Cái tên triển lãm bật ngay ra trong đầu. Trường tồn không những chỉ sự tiếp nối mà còn chỉ sự bền bỉ, mạnh mẽ, thiêng liêng.
- Dường như anh là người nệ cổ. Có bao giờ anh tiếc nuối về một điều gì đó anh mới bắt gặp hôm qua, hôm nay đã không còn ?
- Điều đó có. Ngay ở Hà Nội, mỗi cánh cổng, mỗi ngôi nhà đều thường xuyên thay đổi. Nên chấp nhận ! Tôi chỉ nghĩ rằng cần phải bảo tồn và gìn giữ những gì cần thiết cho cuộc sống này.
- Xin cảm ơn anh !
Nguyên Phương thực hiện
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.