(HNM) - Chiều thứ sáu, 8-10, chị Thắm đến đón con học lớp 1 tại một trường tiểu học ở quận Hoàn Kiếm. Chào cô, chào mẹ xong, vừa trèo lên xe máy, con trai chị đã quay sang một bạn vừa được bố đón đứng gần đó, hét thật to:
- Long thần kinh!
Nhóm bạn cùng lớp đứng gần đó cười òa, nhiều bạn hùa theo cùng hét: "Long thần kinh!"
Vội quay sang xin lỗi bố cháu Long, rồi chị Thắm mắng con:
- Sao con lại bảo bạn là thần kinh như vậy?
- Con có tự bảo đâu. Hôm nay cô bảo bạn ý thế đấy chứ. Cô còn bảo cả bạn Hà là thần kinh nữa… - Nghe con trai kể hồn nhiên, chị Thắm hỏi kỹ hơn:
- Sao cô giáo con lại bảo hai bạn như vậy?
- Vì lúc cả lớp đang chuẩn bị đi ngủ trưa, hai bạn này tự nhiên nhảy choi choi, hét ầm ĩ… nên cô bảo thế…
Hai tuần trước, trong một lần kiểm tra sách vở của học sinh, cũng cô giáo chủ nhiệm này đã nhận xét phụ huynh của hai bạn "chắc là say rượu nên mới dán nhãn vở cho con kiểu này". Mặc dù không nêu tên trường, tên lớp song kể lại câu chuyện về lời nói và cả hành vi thiếu kiểm soát của cô giáo nọ, chị Thắm muốn nhờ Người Xây Dựng kể lại câu chuyện này để làm bài học chung cho những người làm sư phạm. Bởi khi đứng trước học sinh, dù ở lứa tuổi nào, mỗi thầy, cô giáo đều là tấm gương, chuẩn mực lời ăn tiếng nói cho trẻ, không thể tùy tiện nói bừa. Mấy hành vi trên có thể do bột phát và quá… hồn nhiên. Song giữ nghiệp trồng người mà hồn nhiêu kiểu ấy… tai hại lắm!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.