Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hồn dân tộc bừng lên trong sắc mới

Trà Giang| 23/01/2020 08:54

(HNMCT) - Những bức tranh giấy dó có khổ lên tới hơn 1m2, sự tung hoành của các chất liệu từ sơn dầu đến bột màu, mực nước... thoáng chốc khiến ta giật mình nhưng rồi tất cả vỡ òa trong một cảm xúc đặc biệt. Chất liệu truyền thống của cha ông nay đã hòa nhịp với sự tung tẩy, phóng khoáng đương đại nhuần nhuyễn như một chỉnh thể hiển nhiên: Đó là màu và hồn dân tộc.

Một tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Minh.

Dó và những thử nghiệm không biên giới

Bất ngờ là cảm xúc chung của người xem khi đến với triển lãm Góp dó (Góp dó 1 và Góp dó 2 diễn ra liên tiếp trong 2 năm 2018 - 2019). Đây cũng có thể coi là cuộc chơi lớn của chất liệu giấy dó khi nó thu hút được tới 13 họa sĩ đến từ Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh với rất nhiều cách thể hiện, thử nghiệm trên một chất liệu lâu đời của dân tộc. Không vội nói đến đề tài, phong cách cá nhân của từng họa sĩ mà chỉ cần điểm qua những điều mà các họa sĩ đã làm với chất liệu này, người ta cũng đủ thấy giấy dó đã thức - say - nhào nặn dữ dội đến thế nào trong những cơn mơ hội họa.

Giấy dó là một chất liệu truyền thống có mặt trong đời sống văn hóa dân tộc từ hàng nghìn đời nay, thường được giới họa sĩ gọi tắt là “dó”. Trong mỹ thuật, giấy dó là chất liệu quan trọng làm nên hai dòng tranh dân gian nổi tiếng là tranh Đông Hồ (dùng giấy dó quét điệp để tạo độ óng ánh, nên còn gọi là giấy điệp) và tranh Hàng Trống. Sau này, nhiều họa sĩ cũng đã dùng giấy dó trong các tác phẩm của mình.

Tuy nhiên, với độ xốp, mềm cũng như vẻ ngoài mềm mại, giấy dó thường được kết hợp với mực, màu nước để tạo ra những bức tranh phong cảnh nền nã, uyển chuyển đậm chất phương Đông. Nhưng với các họa sĩ đương đại, gần như không còn biên giới cho sự thể nghiệm chất liệu trên giấy dó. Đề tài thì đã rõ, người họa sĩ có thể gửi gắm trên nền giấy dó đủ những góc nhìn, từ những quan sát tinh tế về cuộc sống qua tranh phong cảnh, tĩnh vật đến những suy niệm trừu tượng, từ chân dung đến cả những vấn đề gai góc của đời sống. Đáng ngạc nhiên hơn cả là những thể nghiệm táo bạo về chất liệu. Chẳng hạn như ở triển lãm Góp dó, người xem vừa được cảm nhận vẻ tinh tế, gần gũi đầy truyền thống trong tranh của họa sĩ Vũ Thái Bình, vừa sửng sốt với cách vẽ và bồi giấy dó trên toan của họa sĩ Nguyễn Hiếu mà thoạt nhìn người xem có thể nhầm tưởng đó là sơn dầu. Họa sĩ Bùi Văn Tuất cũng có cách xử lý sơn dầu và màu acrylic trên giấy dó, khiến nó trở nên quyến rũ bí ẩn...

Triển lãm này, một cách tập trung nhất, đã mở ra những chiều kích mới của một chất liệu tưởng đã quá quen thuộc như giấy dó. Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá: Những họa sĩ rất trẻ, tạm gọi là thế hệ thứ 5 của Mỹ thuật Việt Nam, thế hệ hội nhập quốc tế, họ với sự sáng tạo không có bất cứ hạn chế nào về đề tài, phong cách khác nhau, cách khai thác khác nhau đã tạo nên vẻ đẹp mới cho chất liệu truyền thống.

Giấy dó là truyền thống, tâm hồn Việt

Giấy dó là loại giấy được sản xuất hoàn toàn thủ công từ vỏ cây dó. Giấy dó có cấu trúc dạng sợi, các xơ sợi li ti cố kết với nhau tựa mạng nhện, nhiều lớp nên rất dai, vân giấy rất đẹp, hương giấy thơm. Ưu điểm nổi trội của giấy dó là độ bền. Theo họa sĩ Nguyễn Hiếu: Giấy dó có ưu điểm xuyên thời gian, đặc biệt phù hợp với khí hậu khắc nghiệt của Việt Nam, nó không dễ mốc như lụa, không cong vênh như sơn mài. Giấy dó khi ngấm màu có thể tạo ra độ bền dai dù thoạt nhìn thấy mong manh, chấp nhận được sự khắc nghiệt của thời gian, của mùa, nó qua thoát hết những áp lực của thời tiết. Thực tế theo ghi nhận tại các trung tâm lưu trữ, trong số những tài liệu giấy, thì tài liệu giấy dó có tuổi thọ cao nhất. Các bản sắc phong cổ tìm thấy trong một số di tích đình, đền, miếu thờ có tuổi thọ tới hơn 500 năm dù điều kiện bảo quản kém.

Theo nhiều tài liệu, nghề làm giấy ở Việt Nam đã có từ xa xưa, vào khoảng thế kỷ III TCN. Cuốn sách Nam phương thảo mộc trạng của một học giả Trung Quốc có viết: “Từ xa xưa người Việt đã làm ra được giấy từ gỗ cây, rong biển...”  và theo ghi nhận của học giả này thì giấy của người Giao Chỉ trắng, dai thơm, có hình vân cá, thả vào nước không nát... Hình ảnh những làng nghề làm giấy dó truyền thống cũng đã đi vào ca dao, tục ngữ, được ghi chép trong nhiều cuốn sách của các học giả Việt Nam trước đây.

Câu ca dao quen thuộc “Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương/ Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ” đã nhắc đến làng nghề làm giấy dó nổi tiếng nhất xưa kia là làng Yên Thái hay còn gọi là làng Bưởi nằm ở phía Bắc kinh thành Thăng Long. Làng nghề này còn được nhắc đến trong cuốn Dư địa chí viết năm 1435 của Nguyễn Trãi, là nơi chuyên làm các loại giấy như giấy sắc làm sắc vua ban, giấy lệnh làm lệnh vua ban, giấy bản dùng vào các mục đích hằng ngày... Ngày nay, làng nghề làm giấy dó Yên Thái đã không còn nữa nhưng giấy dó vẫn được sản xuất ở nhiều nơi theo phương pháp thủ công truyền thống. Nổi tiếng hơn cả là làng Đống Cao thuộc phường Đông Khê, tỉnh Bắc Ninh. Hiện sản phẩm giấy dó ở đây rất đa dạng, có thể đáp ứng được nhiều nhu cầu từ làm đồ lưu niệm, in ấn tranh truyền thống, in bìa, in các bản khắc cho đến phục vụ hoạt động mỹ thuật với nhiều khổ giấy và bản giấy khác nhau...

Là một người theo đuổi chất liệu giấy dó nhiều năm, họa sĩ Vũ Thái Bình cho rằng: Giấy dó là phương tiện, chất liệu truyền thống nhưng lại có thể phù hợp với cách thể hiện rất hiện đại. Giấy dó trước kia chỉ dùng để ghi chép, in ấn tài liệu, tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống nhưng hiện tại giấy dó phong phú vô cùng, đẹp ngoài sức tưởng tượng của mình. Chất liệu truyền thống này cực kỳ tuyệt vời và chúng tôi muốn đưa giấy dó đến với công chúng nhiều hơn, thậm chí vượt ra khỏi biên giới đến với những nơi khác nữa.

Giấy dó sẽ lên ngôi

Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam: Trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, các chất liệu truyền thống luôn mang đến những câu chuyện đặc sắc và riêng biệt. Nếu như sơn mài đã khẳng định được vị thế từ những năm 20 - 30 đầu thế kỷ XX với sự xuất hiện của những tên tuổi nổi bật như danh họa Nguyễn Gia Trí thì giấy dó có bước chậm hơn. Đến những năm cuối của thế kỷ XX và hiện nay giấy dó mới xuất hiện nhiều và nó đang viết nên câu chuyện đương đại của riêng mình. “Trong xu thế hội nhập của mỹ thuật đương đại Việt Nam tôi thấy dó bắt đầu lên ngôi. Và chắc chắn lộ trình của dó Việt còn mở ra rộng nữa. Tới đây, trong sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam hiện đại, dó sẽ có ngôi vị xứng đáng”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhấn mạnh.

Sự lên ngôi của giấy dó không hẳn chỉ là một xu hướng quay về với các chất liệu dân gian truyền thống mà nó còn cho thấy sự đồng điệu giữa chất liệu dân tộc với cách nghĩ, cách cảm của tâm hồn nghệ sĩ Việt. Nhận xét về chất liệu giấy dó, tác giả Đặng Tiêu cho rằng: “Dó, mỏng mảnh nhưng mềm mại, sắc nét mà dịu dàng, đã trở thành chất liệu yêu thích của nhiều họa sĩ Việt. Dó, xốp nhẹ nhưng bền dai, với màu trắng ngà mà khi kết hợp với các loại mực, màu khác bỗng trở nên đằm thắm đến lạ, quyến rũ bao nhiêu thế hệ họa sĩ... Hơn bất cứ chất liệu nào khác, dó vừa thoảng qua vừa mạnh mẽ, vừa đỏng đảnh vừa biết chiều chuộng, vừa mộc mạc lại vừa có thể sang trọng, vừa truyền thống, vừa hiện đại, vừa chắc chắn lại vừa biến hóa. Dó lưu giữ được những khoảnh khắc, những nét xúc cảm thoáng qua, những miên man u mặc, những bâng khuâng xao xuyến... những thứ âm thanh thoảng nhẹ mà phải thật lặng im và tinh tế để có thể nhận ra”.

Thi sĩ Hoàng Cầm từng cảm thán trước vẻ đẹp của tranh Đông Hồ rằng: “Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”. Chất dân tộc đậm nét ấy vẫn đang bừng lên trong những sáng tạo, thể nghiệm mới mẻ, táo bạo của các họa sĩ đương đại. Và hy vọng sự trở về của các họa sĩ với chất liệu truyền thống, sự yêu thích của công chúng sẽ tạo ra những mùa xuân mới cho giấy dó cũng như góp phần hồi sinh nghề thủ công sản xuất loại giấy này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hồn dân tộc bừng lên trong sắc mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.