Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hơn cả một nghề

Mai Toàn| 18/04/2010 06:47

(HNM) - Tám giờ một ngày dành cho người khuyết tật, từ hỗ trợ vệ sinh cá nhân đến ăn uống, ngủ nghỉ, học tập, làm việc, chia sẻ vui buồn, đi xem phim, mua sắm... một nghề mới của các bạn trẻ ở Hà Nội: nghề hỗ trợ cá nhân (Personal Assistant - PA), giúp người khuyết tật sống độc lập.

Các nhân viên PA và người khuyết tật.


Một ngày làm việc của PA
Sinh năm 1982, tốt nghiệp khoa Kinh tế Đối ngoại, Đại học Quản lý Kinh doanh Hà Nội, Nguyễn Đình Lâm từng làm tình nguyện viên cho một tổ chức phi chính phủ chuyên về sức khỏe, biên tập viên cho chương trình âm nhạc, làm công ty phần mềm máy tính nhưng cuối cùng anh chọn cho mình công việc người hỗ trợ cá nhân. Khi Trung tâm Sống độc lập tuyển nhân viên, Lâm là một trong những người tham gia đầu tiên. Anh được trung tâm cử đến hỗ trợ cho anh Nguyễn Khánh Lâm (Hàm Long, Hà Nội). Nguyễn Đình Lâm cho biết: "Hầu hết người khuyết tật bại não không tự chủ được trong sinh hoạt cá nhân nên phụ thuộc rất nhiều vào người thân. Tuy nhiên, do phụ thuộc nên họ thường chịu đựng và chỉ dám yêu cầu được hỗ trợ những nhu cầu tối thiểu như ăn, ngủ, vệ sinh. Còn những nhu cầu khác như giao tiếp, mở rộng vốn hiểu biết, quan hệ xã hội thì họ gần như không được đáp ứng". Hằng ngày, sau khi giúp ăn sáng, Nguyễn Đình Lâm đưa Nguyễn Khánh Lâm đi chơi hoặc cùng nhau xem phim, lên nét hay cùng nhau đọc một cuốn sách hay. Buổi chiều giúp Nguyễn Khánh Lâm vệ sinh cá nhân chuẩn bị bữa cơm chiều. Công việc một ngày của người hỗ trợ cá nhân đơn giản là làm bạn với người khuyết tật, giúp họ có thể tự làm những công việc cá nhân mà không phiền đến người thân hay bạn bè.

Ngày làm việc của Trần Đức Công, sinh năm 1991 (tốt nghiệp Khoa Điện, Trung cấp Công nghiệp Hà Nội) bắt đầu từ 8h. Nơi làm việc của Công chính là nhà của Vũ Anh Tuấn và Vũ Anh Tú (Liễu Giai, Hà Nội). Hai anh Tuấn và Tú bị bệnh teo cơ giả đại phì từ nhỏ nên không thể tự đi lại và làm công việc sinh hoạt cá nhân. Công được Trung tâm Sống độc lập Hà Nội tuyển dụng và cử đến để làm nhân viên PA cho hai anh.

Anh Tuấn và anh Tú hiện làm phóng viên nên các anh làm việc rất quy củ. Biết thế nên nhà ở tận Đông Anh nhưng chưa bao giờ Công đi làm muộn. Anh cho biết: "Việc đầu tiên khi đến làm việc là dọn dẹp phòng cho thật ngăn nắp để hai anh có thể bắt tay vào công việc". Anh Tuấn có thói quen uống nước trong khi làm việc nên Công bao giờ cũng chuẩn bị đầy đủ. Ngoài ra, anh thường đưa anh Tú đi gặp gỡ bạn bè, uống cà phê hay đơn giản là đi dạo phố. "Làm PA không khó vì không cần đến kiến thức chuyên môn mình đã học nhưng nghề PA đòi hỏi sự tỉ mỉ, biết quan sát và hơn hết cần phải hiểu người mình trợ giúp cần gì. Trước khi vào nghề chúng tôi đã trải qua một khóa huấn luyện sơ cấp để nắm công việc cơ bản, cách giao tiếp với người khuyết tật còn những kinh nghiệm khác chúng tôi đúc kết dần trong quá trình làm việc" - Trần Đức Công nói.

Giúp người khuyết tật sống độc lập
"Lần đầu tiên đi chợ, chọn những món mình định chế biến, tự tay nấu bữa ăn tiếp bạn thay vì đưa nhau ra quán như trước với sự giúp đỡ của PA cảm xúc thật lạ. Từ bây giờ mình có thể mời cơm bạn bè bất kỳ khi nào mình muốn chứ không phải ngại khi nhờ mẹ như trước nữa… Mình nghe mọi người kể TP Hồ Chí Minh phồn hoa lắm. Đà Lạt thì lãng mạn với một ngày bốn mùa, thế nhưng mãi mà chưa đi được. Mẹ thì đã có tuổi, các anh chị ai cũng bận công việc. Bạn bè thì làm gì có nhiều thời gian để đi cùng mình, mà mình ngại nhờ vả lắm. Nhưng nay mình đã thực hiện được điều đó rồi. Mình cùng PA rong ruổi cả tháng trời ở miền Nam, thỏa được niềm mơ ước…" - Vũ Anh Tú đã viết những dòng tâm sự như vậy trên mạng Face book của mình.

Trần Quốc Hiệp (Khuất Duy Tiến, Hà Nội) bị mắc chứng bại não. Từ nhỏ Hiệp chỉ quanh quẩn trong nhà và giúp đỡ mẹ trông nom cửa hàng tạp hóa. Nhà Hiệp có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ già yếu nên càng không có điều kiện đưa Hiệp đi chơi hay tham gia những sinh hoạt tập thể. Từ ngày có PA giúp đỡ Hiệp mới có điều kiện làm những việc mình thích. Anh cho biết: Dưới sự trợ giúp của PA, những người khuyết tật như mình có thể đi bất kỳ nơi đâu mình muốn, tham gia những sinh hoạt tập thể mà không cần nhờ bạn bè hay đợi người thân rảnh rỗi.

Anh Nguyễn Đình Lâm tâm sự: Đối với những PA bọn mình thì hỗ trợ cá nhân không chỉ là một nghề với 3 triệu đồng tiền lương mỗi tháng, mà hơn hết là trách nhiệm với những người thiệt thòi trong cuộc sống, để có cơ hội được thực hiện trách nhiệm xã hội khi còn trẻ. Bọn mình mong muốn càng ngày sẽ có thêm nhiều bạn trẻ yêu thích nghề hỗ trợ cá nhân để có thể giúp được nhiều người khuyết tật hơn nữa sớm hòa nhập cộng đồng làm được thêm nhiều điều hữu ích cho xã hội.

Giám đốc Trung tâm Sống độc lập Hà Nội Nguyễn Bích Thủy: Với mức lương 11 nghìn đồng/1 giờ, các nhân viên PA sau khi được tuyển dụng, ký hợp đồng lao động sẽ được tập huấn các kỹ năng như giao tiếp với người khuyết tật, cách trợ giúp người khuyết tật… Đối tượng phục vụ đầu tiên của trung tâm là người khuyết tật nặng, bại não ảnh hưởng đến vận động và khả năng nói, tổn thương cột sống, người sử dụng xe lăn. Mục tiêu của chúng tôi là hỗ trợ từng cá nhân phát huy được cao nhất tiềm năng của mình tại gia đình và cộng đồng, giúp họ tiếp cận nhà ở, việc làm, giao thông, các công trình công cộng, các phương tiện giải trí và dịch vụ xã hội bình đẳng với người không khuyết tật.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hơn cả một nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.