(HNM) - Sau sự cố khiến nhiều người ngất xỉu do bị ngạt tại siêu thị Big C, các cơ quan chức năng của thành phố đã tiến hành kiểm tra nhiều siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn.
Rất nhiều vấn đề đặt ra cần được giải quyết, trong đó, có một thực tế rất đáng lo ngại là, ngoài việc sử dụng các tầng hầm để trông giữ xe, nhiều chủ đầu tư còn đưa vào kinh doanh nhiều loại dịch vụ khác như nhà hàng, văn phòng, thậm chí cả phòng khám... Cũng từ vụ " Siêu thị Big C" và một số vụ việc khác xảy ra trong thời gian gần đây có thể nhận thấy: Công tác quản lý việc khai thác, sử dụng các tầng hầm chung cư cao tầng làm dịch vụ có rất nhiều vấn đề. Nếu không có giải pháp quyết liệt, hữu hiệu, các tầng hầm nhà cao tầng hoàn toàn có thể trở thành những "quả bom nổ chậm". Và nếu sự cố xảy ra, không chỉ là chuyện vài chục người phải vào bệnh viện cấp cứu như vụ "Siêu thị Big C".
Hiện nay, ở Hà Nội có hàng nghìn tòa nhà cao tầng có tầng hầm, chứa hàng trăm nghìn phương tiện của người dân. Chưa kể, nhiều trung tâm thương mại đã và tiếp tục mở các loại hình dịch vụ dưới tầng hầm và một số chợ truyền thống, sau khi chuyển đổi thành trung tâm thương mại cũng sử dụng một phần tầng hầm cho việc giữ xe, chứa hàng như chợ Mơ, chợ Hàng Da... Trong bối cảnh nhiều khu vực trung tâm đô thị bị khống chế về chiều cao công trình, và thêm nữa, ở cái thời "tấc đất, tấc vàng" như hiện nay thì việc chủ đầu tư buộc phải "chui" xuống sâu hơn để tận dụng không gian kinh doanh là lẽ thường. Chưa kể những chính sách ưu đãi về thuế, thời gian cho thuê... Kinh doanh dưới tầng hầm là một tất yếu và sẽ ngày càng phát triển tại các đô thị lớn.
Tuy nhiên, việc xây dựng các khu vực kinh doanh dịch vụ dưới lòng đất đang là cả vấn đề. Có thể hình dung, việc đặt các khu vực kinh doanh thương mại, dịch vụ văn phòng... gần với khu vực trông giữ ô tô, xe máy đương nhiên phải có hệ thống thông gió, thoát khí có công suất lớn, bên cạnh hệ thống thiết bị, phương tiện phòng chống cháy nổ, thoát hiểm phải tuân thủ nghiêm các quy định. Như vậy, lượng vốn bỏ ra cho công trình lớn hơn rất nhiều so với việc xây dựng trên mặt đất. Cùng với đó là những đòi hỏi kỹ thuật, ví dụ hầm để xe phải có vách ngăn chịu nhiệt, vách ngăn màn nước để tránh cháy lan, cháy lớn... Do vậy, không phải chủ đầu tư nào cũng "bạo vì tiền" để làm được điều đó. Và một thực tế hiện nay là hầu hết tầng hầm của các nhà cao tầng trên địa bàn Hà Nội không đáp ứng được đầy đủ điều kiện an toàn để kinh doanh dịch vụ.
Thực tế nêu trên không mới và cũng có một thực tế khác không mới là các cơ quan chức năng đã nhiều lần lập biên bản xử lý vi phạm, cảnh báo, khuyến nghị... nhưng khắc phục sai phạm thế nào thì lại là chuyện khác. Một người nói "Muốn khắc phục triệt để chỉ có thể phá hủy tòa nhà đi để xây mới!". Còn như chấp nhận tồn tại những tầng hầm như vậy cũng có nghĩa là phải chấp nhận "sống cùng nguy cơ". Do vậy, bên cạnh việc rà soát, kiểm tra toàn bộ các chung cư cao tầng, trung tâm thương mại... có sử dụng tầng hầm cho việc kinh doanh dịch vụ, để đưa ra các giải pháp khắc phục, cần có chế tài xử lý nghiêm những sai phạm và đặc biệt quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra sai phạm...
Tầng hầm của các tòa nhà chung cư, trung tâm thương mại rất có thể là "quả bom nổ chậm"! Đây không chỉ là một lời cảnh báo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.