Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hơn 9 năm chưa giải phóng xong mặt bằng

Hoàng Minh| 09/09/2017 07:54

(HNM) - Nhằm quy tập hàng trăm ngôi mộ nằm rải rác tại các xứ đồng về một khu, bảo đảm mỹ quan, vệ sinh môi trường, tạo thuận lợi cho việc giải phóng mặt bằng một số dự án đã được quy hoạch trên địa bàn xã, ngày 31-7-2008, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) ra Quyết định 3237/QĐ-UBND, thu hồi hơn 18.000m2 đất tại xã Tân Lập (Đan Phượng), giao UBND xã Tân Lập bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng dự án Công viên vĩnh hằng. Nhưng đến nay công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn tất, khiến dự án rơi vào tình trạng

Nhiều ngôi mộ nằm rải rác tại các xứ đồng vì dự án “vướng” mặt bằng.


Thực hiện dự án đầu tư xây dựng Công viên vĩnh hằng xã Tân Lập, 57 hộ dân thuộc cụm 10 và 11 thôn Đan Hội có đất nông nghiệp bị thu hồi với tổng diện tích 15.435,7m2. Sau khi có quyết định thu hồi đất, UBND xã Tân Lập đã thực hiện giải phóng mặt bằng. Ngày 25-9-2009, UBND huyện Đan Phượng ban hành Quyết định 1371/QĐ-UBND, phê duyệt phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và sau đó tiến hành chi trả cho các chủ thể có đất bị thu hồi. Tuy nhiên, suốt từ năm 2009 đến năm 2014, chỉ 41 hộ nhận tiền và bàn giao đất; 16 hộ còn lại thuộc cụm 10 với tổng diện tích 4.511,4m2 vẫn chưa đồng thuận với phương án.

Ông Nguyễn Xuân Nghĩa, cán bộ địa chính xã Tân Lập cho biết, nguyên nhân chính khiến việc giải phóng mặt bằng chậm tiến độ là do chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng của Nhà nước liên tục thay đổi. Cụ thể, thời điểm ban hành quyết định thu hồi đất cho dự án này, các dự án khác trên địa bàn huyện Đan Phượng đang áp dụng theo Quyết định 1098/2007/QĐ-UBND ngày 28-6-2007 của UBND tỉnh Hà Tây (cũ), nhưng khi giải phóng mặt bằng dự án Công viên vĩnh hằng lại thực hiện theo Quyết định 18/2008/QĐ-UBND ngày 29-9-2008 của UBND TP Hà Nội quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn thành phố. Vì vậy, một số hộ có đất thu hồi phục vụ dự án Công viên vĩnh hằng đã so sánh với các hộ cùng xã có đất bị thu hồi trong năm 2008 nhưng được hưởng chính sách đất dịch vụ theo Quyết định 1098/2007/QĐ-UBND, trong khi đó tại dự án này khi thu hồi đất, các hộ chỉ được bồi thường, hỗ trợ về đất, không được hỗ trợ tiền chuyển đổi nghề.

Cho rằng quyền lợi không được bảo đảm, một số hộ không đồng tình với phương án, liên tục có đơn kiến nghị. Cũng theo ông Nghĩa, hiện một số hộ chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đề nghị thành phố cho áp dụng chính sách theo Quyết định 1098/2007/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Tây (cũ); một số hộ khác đề nghị thành phố xem xét, hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm theo quy định tại Điều 40, Quyết định 108/2009/QĐ-UBND ngày 29-9-2009 của UBND TP Hà Nội quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố.

Trước những kiến nghị kể trên, nhiều năm nay, UBND huyện Đan Phượng, cấp ủy, chính quyền xã Tân Lập và cụm 10 thôn Đan Hội tổ chức nhiều hội nghị đối thoại, tuyên truyền, giải thích rõ với các hộ chưa đồng tình về phương án giải phóng mặt bằng với quan điểm phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng ở thời điểm nào thì áp dụng chính sách thời điểm đó, tuy nhiên người dân không đồng tình. Đến nay, sau hơn 9 năm kể từ khi có quyết định thu hồi đất, vẫn còn 16 hộ chưa nhận tiền, bàn giao mặt bằng để triển khai dự án.

Đề nghị UBND huyện Đan Phượng và các cơ quan chức năng kiểm tra, có biện pháp hữu hiệu để giải phóng dứt điểm mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hơn 9 năm chưa giải phóng xong mặt bằng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.