(HNMO) - Tính đến 6h sáng 26-2, toàn thế giới có 113.501.273 ca mắc Covid-19, trong đó có 2.517.549 trường hợp tử vong và 89.086.090 bệnh nhân đã hồi phục.
Châu Mỹ
Ngày 25-2, hãng dược Moderna (Mỹ) cho biết ước tính sẽ đạt doanh thu 18,4 tỷ USD từ vắc xin Covid-19 trong năm nay. Moderna dự kiến sản xuất 700 triệu liều vắc xin từ nay đến cuối năm, đồng thời đang nỗ lực mở rộng quy mô sản xuất lên tới 1 tỷ liều.
Hồi đầu tháng này, một hãng dược khác của Mỹ là Pfizer cũng cho biết sẽ đạt doanh thu kỷ lục khoảng 15 tỷ USD trong năm 2021 từ vắc xin ngừa Covid-19 mà hãng phát triển cùng đối tác BioNTech của Đức. Ngày 25-2, Pfizer/BioNTech thông báo đang nghiên cứu để bổ sung mũi tiêm vắc xin ngừa Covid-19 thứ ba vào cơ chế tiêm chủng 2 mũi hiện nay và thử nghiệm một phiên bản mới của vắc xin nhằm ứng phó với biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 lần đầu được phát hiện tại Nam Phi.
Châu Âu
Ngày 25-2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết hơn 850.000 người tại châu Âu đã tử vong do đại dịch Covid-19. Cho đến nay, toàn châu lục đã ghi nhận gần 38 triệu trường hợp nhiễm bệnh. Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge kêu gọi giới chức các nước ưu tiên tìm hiểu hậu quả lâu dài đối với bệnh nhân mắc Covid-19, sau khi một số người xuất hiện những triệu chứng đáng lo ngại sau vài tháng. Theo ông H.Kluge, trung bình cứ 10 bệnh nhân mắc Covid-19 thì có 1 người đối mặt với tình trạng sức khỏe không ổn định kéo dài.
Ngày 25-2, đại diện hãng AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) tại Italia cho biết, hãng này sẽ cung cấp 180 triệu liều vắc xin Covid-19 cho châu Âu trong quý II, trong đó có 20 triệu liều cung cấp cho Italia. Tuy nhiên, các quan chức Liên minh châu Âu (EU) vẫn cảnh giác trước nguy cơ thiếu nguồn cung. Trước đó, Bộ Y tế Italia đã sửa đổi kế hoạch tiêm chủng, trong đó giảm số liều vắc xin dự kiến nhận được từ AstraZeneca trong quý II từ 18 triệu liều xuống còn 10 triệu liều.
Cao ủy EU về Y tế Stella Kyriakides cho biết, mục tiêu của khối này là tiêm chủng cho 70% dân số trưởng thành ở các quốc gia thành viên vào mùa hè này. Bà S.Kyriakides nhận định: “Đây là một mục tiêu đầy tham vọng, nhưng hoàn toàn có thể đạt được”. Quan chức này cũng cho biết thêm, EU sẵn sàng cập nhật hoặc ký kết các thỏa thuận mua vắc xin ngừa Covid-19 và đang làm việc chặt chẽ với các nhà sản xuất để giải quyết mọi vướng mắc nảy sinh.
Ngày 25-2, Thủ tướng Séc Andrej Babis cho biết nước này sẽ tiếp nhận từ Pháp 100.000 liều vắc xin ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech, trong bối cảnh Prague đang kêu gọi các đồng minh hỗ trợ trước sự gia tăng trở lại số ca nhiễm mới trong những tuần gần đây.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Bulgaria Kostadin Angelov cho biết nước này sẽ tạm dừng chương trình tiêm vắc xin ngừa Covid-19 do thiếu vắc xin. Đến ngày 1-3 tới, nước này mới nhận được 52.800 liều vắc xin, chưa đủ con số 142.437 liều như cam kết của hãng AstraZeneca. Do đó, Bulgaria sẽ dừng tiêm chủng cho đến khi tiếp nhận đợt vắc xin mới.
Số liệu thống kê hằng tuần cho thấy, các trường hợp mắc Covid-19 ở Anh đã giảm 78% kể từ khi chính phủ nước này áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc ngày 4-1. Anh đã ghi nhận 84.310 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 từ ngày 11-2 đến ngày 17-2, con số hằng tuần thấp nhất được ghi nhận kể từ tháng 9-2020. Con số này có sự sụt giảm đáng kể so với 388.037 ca dương tính được ghi nhận từ đêm giao thừa đến ngày 6-1.
Ngày 25-2, Bộ Y tế Anh đã hạ cảnh báo dịch Covid-19 từ mức 5 xuống mức 4. Bộ này cho biết, dù các dịch vụ y tế trên khắp cả nước vẫn đang chịu sức ép từ số lượng lớn bệnh nhân phải nhập viện, song nhờ những nỗ lực của cộng đồng, con số này đã liên tục giảm xuống.
Ngày 25-2, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết nước này sẽ bắt đầu bước vào đợt phong tỏa toàn quốc kéo dài 3 tuần, kể từ ngày 8-3 tới và sẵn sàng ban bố tình trạng khẩn cấp, trong bối cảnh số ca nhiễm và nhập viện do dịch Covid-19 đang gia tăng đáng kể.
Châu Á
Ngày 25-2, Cục Quản lý sản phẩm y tế quốc gia Trung Quốc cho biết cơ quan này đã cấp phép sử dụng thêm 2 loại vắc xin ngừa Covid-19. Những loại vắc xin này do công ty CanSino Biologics và Viện Sản phẩm sinh học Vũ Hán phối hợp bào chế. Như vậy Trung Quốc đã có 4 vắc xin sản xuất trong nước được cấp phép sử dụng. Hai loại vắc xin được cấp phép trước đó là các sản phẩm của hãng dược Sinopharm và hãng dược Sinovac.
Truyền thông Bahrain cho biết nước này đã phê duyệt sử dụng vắc xin một mũi của hãng Johnson & Johnson (Mỹ). Đây là loại vắc xin ngừa Covid-19 thứ năm được cấp phép sử dụng khẩn cấp ở quốc gia vùng Vịnh này. Vắc xin trên sẽ được ưu tiên sử dụng cho người cao tuổi, người có bệnh mãn tính và các nhóm có nguy cơ cao khác.
Châu Phi
Với hơn 1,5 triệu ca nhiễm bệnh và gần 50.000 trường hợp tử vong do Covid-19, Nam Phi hiện là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh tại châu Phi. Chủ tịch Ủy ban Tư vấn liên bộ về vắc xin của Nam Phi, ông Barry Schoub cho biết, các cơ quan chức năng nước này đã ghi nhận khoảng 4.000 trường hợp tái nhiễm Covid-19. Theo ông, tình trạng tái nhiễm này nhiều khả năng là do biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 lần đầu được phát hiện tại Nam Phi.
Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize cho biết, nước này đặt mục tiêu tiêm chủng cho 1,1 triệu dân từ nay tới cuối tháng 3 tới. Cho đến nay, khoảng 32.000 nhân viên y tế của Nam Phi đã được tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 của hãng Johnson & Johnson.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.