Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 4-2019 (từ ngày 19-3 đến 18-4), 5 hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện tổng cộng 26.553 chuyến bay; trong đó có 22.321 chuyến bay đúng giờ.
Hành khách lên một chuyến bay của Jetstar Pacific. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN |
Trong thời gian này, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) có 9.985 chuyến bay khai thác; trong đó có 8.515 chuyến bay đúng giờ, chiếm tỷ lệ 85,3%, giảm 6,8% so với cùng kỳ năm 2018. Số chuyến bay chậm, hủy chuyến là 1.491 chuyến, chiếm tỷ lệ hơn 14,7%.
Hãng hàng không Vietjet Air có 11.200 chuyến bay khai thác; trong đó có 9.237 chuyến bay đúng giờ, chiếm tỷ lệ 82,5%, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2018. Số chuyến bay chậm, hủy chuyến là 1.975 chuyến, chiếm tỷ lệ hơn 17,5%.
Hãng hàng không Jetstar Pacific có tổng số chuyến bay khai thác là 2.851 chuyến; trong đó số chuyến bay đúng giờ là 2.259 chuyến, chiếm tỷ lệ 79,2%, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2018. Số chuyến bay bị chậm, hủy chuyến là 592 chuyến, chiếm tỷ lệ 20,8%.
Trong thời gian này, Hãng hàng không Bamboo Airways thực hiện tổng cộng 1.319 chuyến bay; trong đó số chuyến bay đúng giờ là 1.225 chuyến, chiếm tỷ lệ 92,9%. Số chuyến bay bị chậm, hủy chuyến là 94 chuyến, chiếm tỷ lệ 7,1%.
Hãng hàng không Vasco, thành viên của Vietnam Airlines, trong tháng 4-2019, hãng này khai thác 1.198 chuyến bay; trong đó số chuyến bay đúng giờ là 1.145 chuyến, chiếm tỷ lệ 90,6%. Tỷ lệ chậm, hủy chuyến chỉ chiếm 9,4%, tương đương 113 chuyến bay.
Theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chỉ số bay đúng giờ sụt giảm là do máy bay về muộn; trong đó có 2.869 chuyến bay chậm giờ, chiếm tỷ trọng 63,4% trong nhóm các nguyên nhân gây cất cánh không đúng giờ của các hãng hàng không. Tiếp đến là từ chính các hãng hàng không, chiếm tỷ trọng tới 23,1% trong nhóm các nguyên nhân gây cất cánh không đúng giờ của các hãng hàng không.
Thời tiết được nhận định là yếu tố chính dẫn đến nhiều chuyến bay bị hủy, chiếm tỷ trọng 1,9% trong nhóm nguyên nhân gây ra tình trạng hủy chuyến bay của các hãng hàng không.
Ngoài ra, Cục Hàng không Việt Nam cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân khác như: Trang thiết bị và dịch vụ tại cảng hàng không, công tác quản lý và điều hành bay, kỹ thuật, khai thác.
Theo đánh giá của các chuyên gia hàng không, việc chậm, hủy chuyến bay của các hãng hàng không không chỉ ảnh hưởng đối với các hãng hàng không, hành khách, các đơn vị cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay mà còn cho cả nền kinh tế. Tuy nhiên, để khai thác các chuyến bay đúng giờ, thực tế cho thấy rất khó thực hiện vì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố liên quan đến hoạt động khai thác của hãng.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, thời gian tới sẽ bổ sung các chế tài liên quan đến cấp phép bay; các slot (giờ điều phối cất hạ cánh) của các chuyến bay cũng bị thu hồi khi có tỷ lệ chậm, hủy chuyến cao và đây là chế tài nặng đối với các hãng hàng không.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.