(HNMO) - Hiện Cơ quan Thú y vùng 6 đang lấy mẫu xét nghiệm chim sống và phân của 5 hộ nuôi chim yến tại TP Phan Rang - Tháp Chàm và sẽ xét nghiệm trong vòng 1 tuần, dự kiến sẽ công bố kết quả vào ngày 16-4.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Cơ quan thú y vùng 6 cho hay sau sự việc 4060 con chim yến bị chết tại Ninh Thuận, Cơ quan Thú y vùng 6 đã mẫu xét nghiệm 3 lần và kết quả đều dương tính với H5N1. Cơ quan chức năng xác định đó là đàn yến nuôi tại rạp Thanh Bình (đường Thống Nhất, phường Đạo Long, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm).
Mới đây, Cơ quan thú y vùng 6 tiếp tục lấy khoảng 100 mẫu/5 hộ nuôi chim yến tại TP Phan Rang - Tháp Chàm để xét nghiệm và dự kiến công bố kết quả vào ngày 16/4 tới đây. Hiện nay, Cơ quan này đã chỉ đạo cơ quan chức năng liên quan tỉnh Ninh Thuận bằng nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh. Cụ thể, nhanh chóng tiên hành tiêm phòng cho hơn 2 triệu con gia cầm trên địa bàn tỉnh; giám sát chặt chẽ đối với 54 hộ nuôi gia cầm, đồng thời tiến hành tiêu độc, khử trùng thường xuyên vùng nuôi; theo dõi sát sao bản thân các hộ nuôi, nếu có biểu hiện bất thường về sức khỏe phải báo ngay với cơ quan chức năng và giám sát một cách thường xuyên, liên tục.
Theo ông Bình, chim yến có khả năng lây truyền qua nguồn nước ở các dòng kênh, bởi đặc điểm của loài chim này là bay liên tục từ sáng tới chiều. Do đó, nếu nước ở các kênh bị nhiễm mầm bệnh thì nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn. Khó khăn lớn nhất trong việc khống chế dịch lây lan là chim yến luôn bay trên trời, còn việc chống dịch lại ở dưới đất. Trong khi, vùng chim yến nuôi phổ biến trong dân cư, làm cho việc phòng và chống dịch rất phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng liên quan, ông Bình chia sẻ.
Rạp hát Thanh Bình, nơi có chim yến chết nhiều. |
Chưa thể gọi là dịch
Trước tình hình chim yến chết và kết quả xét nghiệm của Cơ quan thú y vùng 6, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch gia súc, gia cầm tỉnh Ninh Thuận vừa có buổi họp triển khai phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. Tại buổi họp, Chi cục Thú Y Ninh Thuận cho biết: Chỉ phát hiện chim yến nuôi tại cơ sở rạp hát Thanh Bình là có chim yến chết. Ngoài ra, các nhà nuôi chim yến lân cận không xảy ra tình trạng trên. Sau khi phát hiện, ngành chức năng đã hướng dẫn cơ sở này thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng, vệ sinh phòng dịch… tạo môi trường thông thoáng trong nhà yến.
Tại buổi họp, ông Trần Xuân Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, hiện tượng yến chết trong những ngày qua là do thời tiết và khẳng định đây không phải là dịch cúm gia cầm. Ông Hòa cho hay, toàn tỉnh chỉ có một cơ sở nuôi yến (rạp Thanh Bình) là có đàn chim yến chết. Nguyên nhân do tổng đàn yến lớn (khoảng 100.000 con) nhưng nhà nuôi ngột ngạt, thời tiết nắng nóng…
Theo ông Hòa, sau khi tỉnh chỉ đạo tập trung cải tạo môi trường nuôi, tiêu độc khử trùng thì tốc độ lây lan đã được khống chế, lượng chim yến chết giảm dần nên chưa phải là dịch cúm gia cầm. Bà Nguyễn Thị Huệ, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm cũng cho biết, theo yêu cầu của Cơ quan Thú y Vùng 6, liên tục trong một tuần từ ngày 8 đến 15-4, TP phải lấy cho được mỗi hộ nuôi khoảng 20 mẫu phân yến để kiểm nghiệm.
Tuy nhiên, ông Hòa đề nghị Chi cục Thú y phải theo dõi, giám sát, tiếp tục lấy mẫu bệnh phẩm cơ sở này đi xét nghiệm. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền vận động các cơ sở nuôi yến trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi để ngành chức năng thực hiện giám sát dịch bệnh đến ngày 15-4.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.