(HNMO) - Đến 6h ngày 23-4, trong tổng số 2.632.441 người mắc Covid-19 trên thế giới, ít nhất 183.862 người đã tử vong.
Trong bối cảnh này, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) vừa cảnh báo, dịch bệnh sẽ tác động nghiêm trọng tới người lao động cũng như người sử dụng lao động với dự báo tất cả các lĩnh vực kinh tế sẽ chịu tổn thất lớn về sản lượng và việc làm, đặc biệt là ngành du lịch và sản xuất ô tô. Tuy nhiên, ILO cũng khuyến cáo người lao động chỉ nên quay lại làm việc khi bảo đảm được các điều kiện cần thiết để có thể ngăn chặn dịch bệnh tái diễn.
Châu Á
Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo ngày 22-4 nhận định, nếu nước này muốn dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vào ngày 6-5 thì hiện là "thời điểm quan trọng nhất". Phát biểu tại cuộc họp nhóm chuyên trách của chính phủ, Thủ tướng Abe Shinzo hối thúc người dân cố gắng hoàn thành mục tiêu giảm 80% tỷ lệ tiếp xúc cá nhân, vốn là biện pháp được kêu gọi nhằm hạn chế việc lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2.
Trong bối cảnh các ca mắc Covid-19 ngày một tăng tại các khu vực Đông Bắc Trung Quốc gần biên giới Nga, ngày 22-4, giới chức địa phương đã quyết định siết chặt các hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn làn sóng bùng phát dịch thứ hai. Theo giới chức tỉnh Hắc Long Giang, khu vực này không chỉ chứng kiến số ca nhiễm từ nước ngoài ngày một tăng, chủ yếu là các công dân Trung Quốc trở về nước, mà số ca lây nhiễm nội địa cũng cao.
Tại Ấn Độ, trong 2 tuần tới, nước này sẽ sử dụng một loại vắc xin phòng lao phổi cho trẻ sơ sinh để thử nghiệm trên người trưởng thành nhằm xác định xem vắc xin này có tạo ra cơ chế miễn dịch chống lại chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 hay không. Loại thuốc sắp được thử nghiệm là vắc xin phòng bệnh lao BCG tái tổ hợp của Viện Huyết thanh Ấn Độ được phát triển năm 1919 và đã được chứng minh an toàn trong quá trình sử dụng.
Ngày 22-4, tại Indonesia, Thủ hiến Jakarta, ông Anies Baswedan tuyên bố sẽ gia hạn các biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội thêm 1 tháng cho đến ngày 22-5 và kêu gọi người dân cầu nguyện tại nhà trong suốt tháng lễ Ramadan nhằm ngặn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Châu Âu
Cao ủy châu Âu về vận tải Adina Valean ngày 21-4 cho biết, tuần tới, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ trình một bộ quy định về an toàn đối với hoạt động vận tải hàng không sau khi chấm dứt các lệnh phong tỏa vì dịch Covid-19. Theo bà Valean, một số quy định về giãn cách xã hội tại các sân bay và trên máy bay sẽ phải được tôn trọng nhằm bảo đảm an toàn cho hành khách và cần áp dụng cho đến khi tìm ra vắc xin hoặc thuốc điều trị Covid-19.
Ngày 22-4, Cơ quan Bảo vệ dân sự Italia thông báo nước này ghi nhận thêm 3.370 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2, nâng tổng số ca bệnh tại quốc gia Nam Âu này lên 187.327 ca và 25.085 ca tử vong. Chính phủ Italia đã công bố giai đoạn 2 nhằm ứng phó với dịch bệnh, bắt đầu từ ngày 4-5. Trong giai đoạn 2, người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang và duy trì giãn cách xã hội nhằm bảo đảm khoảng cách an toàn khi mà vẫn chưa có liệu pháp điều trị bệnh và vắc xin phòng ngừa.
Cùng ngày, giới chức y tế Bỉ thông báo tổng số ca tử vong vì Covid-19 tại quốc gia này đã vượt 6.000 người. Bỉ ghi nhận tổng cộng 6.262 ca tử vong sau khi có thêm 266 ca tử vong mới trong vòng 24 giờ qua. Trong khi đó, tổng số ca nhiễm cũng đã tăng lên thành 41.889 sau khi phát hiện thêm 933 ca mới. Dù số ca tử vong tăng trở lại trong ngày 22-4 nhưng người phát ngôn của Trung tâm ứng phó khủng hoảng Bỉ Steven Van Gucht khẳng định, quốc gia này đã qua đỉnh dịch. Bỉ đã gia hạn các biện pháp phong tỏa tới ngày 3-5.
Tại Anh, ngày 22-4, Ngoại trưởng Dominic Raab khẳng định, tới cuối tháng 4, quốc gia này sẽ đạt được mục tiêu xét nghiệm 100.000 người nghi nhiễm vi rút trong một ngày. Ngoại trưởng D.Raab đang tạm thời đảm nhận vai trò điều hành đất nước thay Thủ tướng Boris Johnson đang trong quá trình phục hồi sau khi phải nhập viện điều trị Covid-19. Hiện Anh ghi nhận 133.495 ca nhiễm và 18.100 ca tử vong. Phát biểu trước Quốc hội, ông D.Raab nhận định quốc gia này đang bắt đầu bước qua giai đoạn đỉnh dịch.
Ngày 22-4, Thủ tướng Ukraine tuyên bố sẽ gia hạn các biện pháp cách ly cho đến ngày 11-5, đồng thời bày tỏ hy vọng có thể nới lỏng các hạn chế khi số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 có thể giảm bớt vào thời điểm đó.
Châu Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 22-4 cho biết, các bang nước này sẽ nối lại hoạt động kinh tế một cách an toàn, ngay cả khi một số quan chức y tế công cộng cảnh báo, việc nới lỏng các biện pháp hạn chế quá nhanh có thể dẫn tới nguy cơ dịch Covid-19 tái bùng phát. Mỹ hiện vẫn là quốc gia có số ca mắc Covid-19 và tử vong cao nhất thế giới với 846.203 người nhiễm bệnh và 47.520 người tử vong.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.