Văn hóa

Hơn 100 tổng biên tập các cơ quan báo chí thảo luận sôi nổi về báo chí giải pháp - hướng đi tiềm năng cho báo chí truyền thống

Đức Sơn 21/09/2024 19:40

Được tổ chức tại thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) chiều 21-9, hơn 100 đại biểu dự Diễn đàn Tổng Biên tập 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp - Hướng đi cho báo chí truyền thống?" đã có những bàn luận sôi nổi, thẳng thắn và chất lượng.

a445.jpeg
Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: BBT.

Sự kiện do Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì, giao Báo Nhà báo và Công luận tổ chức với 2 phiên thảo luận. Phiên thứ nhất có chủ đề: Báo chí giải pháp - Xu hướng và tiềm năng; Phiên thứ hai có chủ đề: Triển khai báo chí giải pháp: Cách thức, mô hình nào hiệu quả?

Tham dự và chủ trì diễn đàn có các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Hoài Anh, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận; Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; Nguyễn Đức Lợi, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; cùng hơn 100 tổng biên tập các báo, tạp chí... trên toàn quốc.

a448.jpg
Các đồng chí chủ trì diễn đàn. Ảnh: BBT.

Phát biểu khai mạc, Quyền Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận Lê Trần Nguyên Huy nhấn mạnh: Diễn đàn là nơi lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí… gặp gỡ, chia sẻ về những vấn đề mới, nóng…; cùng thảo luận, đề xuất các giải pháp giúp các cơ quan báo chí vượt qua thách thức để hoạt động hiệu quả hơn. Còn Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh nêu bật trong phát biểu chào mừng: “Tỉnh Bình Thuận rất phấn khởi và tán thành cao với chủ đề của Diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024. Đây cũng chính là vấn đề tỉnh Bình Thuận rất quan tâm khi tỉnh đang bước vào hành trình phát triển mới với những mục tiêu mới”.

Diễn đàn Tổng biên tập năm nay có 2 phiên thảo luận với các chủ đề gồm: “Báo chí giải pháp- Xu hướng và tiềm năng” và “Triển khai báo chí giải pháp: Cách thức, mô hình nào hiệu quả?".

Tại các phiên thảo luận, các đại biểu đã cùng nhau đặt vấn đề, lý giải các vấn đề như: Tại Việt Nam, xu hướng báo chí giải pháp đã, đang được các cơ quan báo chí triển khai ra sao? Tại sao báo chí giải pháp nên là một trong những hướng đi chính yếu của báo chí Việt Nam? Báo chí giải pháp có phải là một trong những cách thức hiệu quả để báo chí Việt Nam phát triển và giữ vững vị thế trong bối cảnh hiện nay? Cách thức nào để triển khai báo chí giải pháp hiệu quả?...

Tham gia thảo luận, Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Minh Đức nhận định: "Trong thời đại công nghệ số, báo chí truyền thống, đặc biệt là báo in, đang phải đối mặt với những thách thức lớn từ sự bùng nổ thông tin trên internet và sự thay đổi nhanh chóng trong thói quen tiêu thụ tin tức của độc giả. Để tồn tại và phát triển, báo in cần không ngừng đổi mới nội dung và cách tiếp cận. Trong bối cảnh này, báo chí giải pháp (solutions journalism) nổi lên như một chiến lược tiềm năng để giúp các tờ báo in không chỉ tồn tại, mà còn phát triển mạnh mẽ".

Theo đồng chí Nguyễn Minh Đức, báo chí giải pháp tập trung vào việc đưa ra các giải pháp khả thi cho những vấn đề xã hội, thay vì chỉ đơn thuần trình bày vấn đề. Thay vì chỉ phản ánh những câu chuyện tiêu cực, báo chí giải pháp mang lại góc nhìn tích cực, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng và khuyến khích hành động từ phía độc giả… Đây là một hướng đi mới có tiềm năng lớn, đặc biệt đối với các tòa soạn báo in truyền thống đang tìm cách thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường truyền thông số.

Còn Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng nhận định, báo chí giải pháp không né tránh tin tức tiêu cực, mà phản ánh tiêu cực theo hướng kết hợp giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là nền tảng, đặt lợi ích của bạn đọc, của xã hội lên trên hết, trước hết. Cách thông tin này giúp báo chí tạo dựng được niềm tin với công chúng, sự đồng hành với chính quyền và doanh nghiệp trong việc giải quyết các vấn đề, thách thức đặt ra....

a451.jpg
Nhà báo Lê Quốc Minh trình bày tham luận tại diễn đàn. Ảnh: BBT.

Phát biểu về xu hướng và tiềm năng của báo chí giải pháp, nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nhấn mạnh: "Báo chí thế giới hiện cũng đi theo xu hướng báo chí xây dựng, báo chí giải pháp, chứ không chạy theo câu khẩu hiệu “ở nơi nào có máu chảy là ở đó có tin” để sản xuất ra những thông tin giật gân như trước. Hội Nhà báo Việt Nam trong nhiều năm qua đã khuyến khích các cơ quan báo chí đi theo xu hướng báo chí giải pháp, báo chí xây dựng và cũng đã có những bước chuyển biến quan trọng".

Theo đồng chí Lê Quốc Minh, báo chí xây dựng, báo chí giải pháp được hiểu là báo chí phản ánh thông tin, cũng như đề xuất các giải pháp hoặc luận giải kỹ lưỡng, góp phần để xã hội tốt đẹp hơn, con người suy nghĩ tích cực hơn, thấy thêm yêu cuộc sống và muốn đóng góp nhiều hơn cho cuộc sống. Lối làm báo truyền thống "5W" (who, what, where, when, why) được thay thế bằng “what now” và “how”.

Hiệu quả của báo chí xây dựng sẽ ảnh hưởng tích cực đến tâm trạng của người dùng; thúc đẩy mọi người có hành động có ích cho xã hội; gia tăng tương tác với cơ quan báo chí...

Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Tuy nhiên, khi triển khai báo chí giải pháp, nhiều cơ quan báo chí cũng gặp khó khăn. Đơn cử, Tổng Biên tập Báo Giao thông Nguyễn Thị Hồng Nga chia sẻ, để sáng tạo ra một bài báo có giải pháp, hay còn gọi là các tác phẩm báo chí chất lượng cao, cần rất nhiều nguồn lực. Có một thực tế là tại một số tòa soạn, tỷ lệ bài báo chất lượng cao chưa như mong muốn của Ban biên tập.

a455.jpg
Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng Biên tập báo Quân đội Nhân dân, phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: BBT.

Còn Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân cho biết, loại hình báo chí giải pháp luôn được cơ quan này coi trọng và đã thực hiện từ sớm. Trong đợt thông tin về bão số 3 vừa qua, tòa sọan đã cử 4 phóng viên đi 4 hướng, làm nhiều tin bài về công tác khắc phục hậu quả bão lũ, tạo nguồn thông tin chủ lưu. Để làm được điều này, các yếu tố mang tính quyết định là nguồn lực tài chính và chất lượng nhân sự.

Về vấn đề này, Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Minh Đức cho rằng, để thực hiện báo chí giải pháp, cơ quan báo chí, nhất là với báo in, cần chú trọng đào tạo nhân lực, nâng cao chất lượng nội dung các bài viết; xây dựng một quy trình làm việc rõ ràng cho báo chí giải pháp, bao gồm các bước từ thu thập thông tin, phân tích, đến cách thức viết bài và trình bày.

Cần xác định việc triển khai báo chí giải pháp đòi hỏi sự đầu tư về tài chính, bởi báo chí giải pháp đòi hỏi sự đầu tư không nhỏ vào công nghệ. Cùng với đó, các cơ quan báo chí phải tăng cường kết nối với độc giả và chuyển đổi số một cách có chọn lọc.

Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Minh Đức

Phát biểu kết luận diễn đàn, đồng chí Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Trong thời đại bùng nổ thông tin, các cơ quan báo chí và bạn đọc đều đang đứng trước những thách thức và thời cơ mới. Nhưng hai bên có thể lại tìm đến nhau bởi người dùng mong muốn được các cơ quan báo chí chính thống định hướng trong “rừng” thông tin nhiều và hỗn loạn như hiện nay. Lúc này, các quan báo chí như ngọn hải đăng để chỉ dẫn cho bạn đọc các vấn đề về công việc cũng như cuộc sống. Và khi đó, những câu chuyện tích cực, mang tính xây dựng và giải pháp, tạo thế cân bằng, đa chiều trong tin tức sẽ tạo nên sự khác biệt của báo chí trong “rừng” thông tin trên.

a446.jpg

Trong khu‏‏ô‏‏n kh‏‏ổ‏‏ Diễn đàn, c‏‏á‏‏c ‏‏đạ‏‏i bi‏‏ể‏‏u tham d‏‏ự đã ‏‏quy‏‏ê‏‏n g‏‏ó‏‏p cho ‏‏“‏‏Qu‏‏ỹ ướ‏‏c m‏‏ơ ‏‏xanh‏" h‏‏ướ‏‏ng v‏‏ề đồ‏‏ng b‏‏à‏‏o c‏‏á‏‏c t‏‏ỉ‏‏nh mi‏‏ề‏‏n B‏‏ắ‏‏c ch‏‏ị‏‏u thi‏‏ệ‏‏t h‏‏ạ‏‏i do b‏‏ã‏‏o l‏‏ũ‏.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hơn 100 tổng biên tập các cơ quan báo chí thảo luận sôi nổi về báo chí giải pháp - hướng đi tiềm năng cho báo chí truyền thống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.