Chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ có thể sẽ tác động tiêu cực trước mắt nhưng cánh cửa xuất khẩu không khép lại. Việt Nam cần tự tin và tham khảo các nước để đàm phán theo hướng hai bên chấp nhận được.
Đây là nhận định của các chuyên gia và doanh nghiệp tại hội thảo khoa học "Tăng trưởng kinh tế thành phố Hồ Chí Minh trước tác động chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ" do UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 9-4.
Theo Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh qua cảng thành phố trong nhiều năm (sau Trung Quốc). Hiện nay, Việt Nam và Hoa Kỳ đang thực hiện Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA).
Tính trong 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cảng thành phố đạt hơn 1,39 tỷ USD, tăng hơn 37,2% so cùng kỳ.
Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, trong tổng số 24 mặt hàng xuất khẩu nhiều vào thị trường Hoa Kỳ, có 5 mặt hàng (4 mặt hàng thuộc nhóm ngành công nghiệp và 1 mặt hàng thuộc nhóm ngành nông, lâm, thủy sản) sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu Hoa Kỳ áp mức thuế 46%.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh (Hawa) cho biết, nếu Hoa Kỳ áp thuế 46%, sản lượng xuất khẩu các mặt hàng gỗ sang Hoa Kỳ có thể giảm từ 10-15%.
Ông Nguyễn Chánh Phương đề xuất Chính phủ và thành phố Hồ Chí Minh cần cơ cấu lại thị trường xuất khẩu ở cấp độ quốc gia và cấp độ ngành hàng. Song song đó, tiến tới đàm phán với Hoa Kỳ để đạt được mức thuế thuận lợi nhất. Cũng theo ông Phương, đàm phán mức thuế giảm xuống từ 15-20% thì doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thể chống chịu được và Hoa Kỳ cũng có thể chấp nhận được.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia đã đề xuất các giải pháp ứng phó với chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ. Tham dự hội thảo trực tuyến từ Hoa Kỳ, GS.TS Trần Ngọc Anh (Đại học Indiana, Hoa Kỳ) cho rằng, Việt Nam cần định hình 4 mục tiêu: Hàng Việt Nam phải vào Hoa Kỳ ở phân khúc thị trường cao hơn; mở rộng xuất khẩu dịch vụ; nâng năng lực doanh nghiệp Việt Nam; đẩy nhanh xây dựng và triển khai đề án phát triển kinh tế tư nhân.
Qua đó, GS.TS Trần Ngọc Anh cũng đề xuất 4 giải pháp: Phát triển, giải quyết điểm nghẽn bằng dữ liệu thời gian thực; xây dựng hệ thống quản trị thực thi (hiệu lực, hiệu quả cao); thành lập nhóm tư vấn và đối thoại thường xuyên; xây dựng các khu kinh tế kết nối với Singapore, châu Âu và Nhật Bản.
Cũng theo GS.TS Trần Ngọc Anh, với nhiều mặt hàng có thế mạnh cạnh tranh, cũng như cứ điểm sản xuất quan trọng cùng sự chủ động, linh hoạt của Chính phủ, Việt Nam có đủ cơ sở để tự tin đàm phán với Hoa Kỳ về chính sách thuế quan mới theo hướng hai bên chấp nhận được.
Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được cho biết, nhìn ở hai góc độ xuất khẩu và nhập khẩu, tỷ trọng xuất khẩu sang Hoa Kỳ không đáng kể so với tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần bình tĩnh, đón nhận, phân tích, theo dõi.
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được khẳng định, thành phố trước mắt vẫn giữ nguyên kịch bản tăng trưởng của năm 2025. Thành phố cũng tăng cường kích thích đầu tư công, dẫn dắt đầu tư tư nhân, trọng tâm là tháo gỡ vướng mắc 571 dự án còn vướng mắc, tồn đọng để tăng doanh thu, thúc đẩy tiêu thụ nội địa.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ tái cơ cấu lại các chương trình xúc tiến đầu tư, giao thương, đeo bám vào các thị trường xuất khẩu lớn, tiềm năng và mang tính ổn định; tái cơ cấu lại, tăng sản xuất và xuất khẩu hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam, tăng giá trị gia tăng của hàng Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.