Xã hội

Hôm nay, các địa phương ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở

Chu Dũng 01/07/2024 - 09:10

Sáng 1-7, Bộ Công an tổ chức lễ ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở. Trong đó, 12 địa phương được lựa chọn làm điểm tổ chức lễ, có sự tham dự của đại biểu Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an gồm: Lào Cai, Sơn La, Hải Dương, Nghệ An, Quảng Nam, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ và Cà Mau.

Cùng với cả nước, Thủ đô Hà Nội cũng tổ chức lễ ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở tại quảng trường Nhà hát Lớn thành phố.

b18ae7ba-b3db-409d-b8c6-ce9be2228d4a.jpeg
Lực lượng an ninh trật tự cơ sở. Ảnh: Chu Dũng

Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở được hình thành từ việc kiện toàn 3 lực lượng sẵn có gồm: Công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố và dân phòng.

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Luật số 30) được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 6 thông qua vào ngày 28-11-2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, vững chắc, toàn diện cho việc xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; góp phần kiện toàn, sắp xếp, bố trí lực lượng, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở; kịp thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới.

4b1484dd-eafe-4f51-8178-9b670379c0d3.jpeg
Lễ ra mắt tại Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Chu Dũng

Luật này gồm 5 chương 33 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở cũng quy định các điều kiện để tham gia lực lượng này, bao gồm: Đủ từ 18 đến 70 tuổi (trường hợp trên 70 tuổi nhưng có sức khỏe tốt sẽ được xem xét theo quyết định của chủ tịch UBND cấp xã dựa trên đề nghị của công an cấp xã); có lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt, cá nhân và gia đình tuân thủ tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang thụ án hình sự.

Về hỗ trợ, bồi dưỡng, Điều 23 của Luật quy định: Người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng tiền hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo mức do HĐND cấp tỉnh quyết định. Người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng hỗ trợ, bồi dưỡng khi được cử đi bồi dưỡng, huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của cấp có thẩm quyền hoặc khi được điều động, huy động thực hiện nhiệm vụ.

Mức hỗ trợ, bồi dưỡng được quy định như sau: Khi được cử đi bồi dưỡng, huấn luyện được hưởng bồi dưỡng bằng mức tiền ăn cơ bản của chiến sĩ nghĩa vụ Công an nhân dân; khi làm nhiệm vụ từ 22h ngày hôm trước đến 6h sáng ngày hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ, khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật về lao động được hưởng mức tiền bồi dưỡng do HĐND cấp tỉnh quyết định.

Khi làm nhiệm vụ tại những nơi thuộc khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hoặc tại đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm về quốc phòng được hưởng mức tiền bồi dưỡng ngày công lao động tăng thêm do HĐND cấp tỉnh quyết định. Khi được điều động, huy động, cử đi thực hiện nhiệm vụ ngoài địa bàn phụ trách thì được cơ quan điều động, huy động, cử đi thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phương tiện đi lại, hỗ trợ ăn, nghỉ trong thời gian làm nhiệm vụ.

Về chế độ, chính sách đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương khi thực hiện nhiệm vụ, Điều 24 quy định: Người đã tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thì được chi trả chế độ từ quỹ bảo hiểm theo quy định của pháp luật; người chưa tham gia bảo hiểm y tế mà bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương thì được hỗ trợ thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

Người chưa tham gia bảo hiểm xã hội mà bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa thì được xét trợ cấp tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động; nếu chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí. Người bị thương, chết khi thực hiện nhiệm vụ thì được xem xét hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc được xem xét để công nhận là liệt sĩ và hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hôm nay, các địa phương ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.