Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, sáng 27-10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Người 70 tuổi không thể tham gia
Tại phiên thảo luận, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Góp ý về dự thảo Luật, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, dự thảo Luật cần nghiên cứu quy định về tuổi đời của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, bởi hiện trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý chỉ đề cập đến việc đảm bảo sức khỏe. Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng xem như cánh tay nối dài, hỗ trợ cho lực lượng công an xã, công an phường.
“Với tính chất công việc như vậy mà dự thảo Luật không có quy định cụ thể về độ tuổi là chưa hợp lý, vì người 70 tuổi rồi không thể đủ sức khỏe để tham gia lực lượng này. Đề nghị ban soạn thảo cân nhắc quy định độ tuổi đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở”, đại biểu Phạm Văn Hòa kiến nghị.
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Đoàn Hậu Giang) cho biết, về tiêu chuẩn tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Điều 13 của dự thảo Luật quy định, tiêu chuẩn tham gia là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, nhưng chưa đưa ra giới hạn tối đa tham gia lực lượng này. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu, quy định về độ tuổi tối đa.
Về vấn đề này, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc về độ tuổi tối đa khi tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở đối với nam và nữ để bảo đảm tiêu chuẩn về thể chất, tình trạng sức khỏe để đáp ứng công việc.
“Đề nghị cân nhắc về việc mua sắm trang thiết bị, sửa chữa thiết bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ mua sắm trang thiết bị phù hiệu, biển hiệu, huy hiệu vì nếu giao cho HĐND cấp tỉnh quyết định như khoản 2 Điều 26 dự thảo Luật thì một số địa phương khó đảm bảo ngân sách cho nhiệm vụ cho nhiệm vụ chi này. Mặt khác, cần thống nhất mức hỗ trợ mức chi cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở trong cả nước, tránh trường hợp mỗi địa phương thực hiện một mức”, đại biểu kiến nghị.
Quy định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn Khánh Hòa) cho biết, khoản 2, Điều 2 dự thảo Luật quy định, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng do chính quyền địa phương thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân để hỗ trợ công an xã, phường, thị trấn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật không nêu rõ lực lượng này có phải được kiện toàn từ lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và các chức danh đội trưởng, đội phó, đội dân phòng…
“Cần bổ sung nội dung này trong khoản 2, Điều 2 dự thảo Luật như sau: Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng do chính quyền địa phương thành lập trên cơ sở hợp nhất tổ chức của lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và các chức danh đội trưởng, đội phó, đội dân phòng để hỗ trợ công an xã, phường, thị trấn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, đại biểu kiến nghị.
Trong khi đó, đại biểu Đoàn Thị Hảo (Đoàn Thái Nguyên) đề nghị không nên quy định “cứng” tối đa số lượng tổ và các chức danh của tổ bảo vệ an ninh trật tự mà nên căn cứ vào tình hình của từng địa phương. Về mối quan hệ giữa lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở với các tổ chức khác, đại biểu đề nghị làm rõ hơn mối quan hệ giữa lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở với các tổ chức khác ở cơ sở như cấp ủy, tổ dân phố, ban công tác mặt trận… để xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, đánh giá hiệu quả hoạt động của lực lượng này. Đồng thời, quy định rõ cơ chế phối hợp hoạt động giữa các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.
Góp ý về đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật để bao quát hết các lực lượng có tính chất tự nguyện tự quản tham gia hỗ trợ công an cấp xã bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, đại biểu Lê Nhật Thành (Đoàn Hà Nội) đề nghị không mở rộng và giữ nguyên phạm vi điều chỉnh của luật đã được Chính phủ trình. Về quy định quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, đại biểu đề nghị giữ nguyên như dự thảo Chính phủ trình và không quy định quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.
“Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở bản chất là lực lượng quần chúng tự nguyện được tuyển chọn tham gia bảo vệ an ninh trật tự, không thực hiện chức năng quản lý nhà nước nên việc quy định quyền hạn của lực lượng này là không phù hợp”, đại biểu Lê Nhật Thành nêu quan điểm.
Về đề nghị quy định khung quy định cụ thể mức tối thiểu hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện bảo hiểm y tế trong dự thảo Luật, đại biểu nhất trí với quy định tại thảo luật và đề nghị giữ nguyên như dự thảo Chính phủ trình. Đó là không quy định khung, không quy định cụ thể mức tối thiểu hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện bảo hiểm y tế trong dự thảo luật. Đại biểu đề xuất quy định theo hướng mở như trong dự thảo Luật để chính quyền địa phương quyết định mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng quyết định mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện bảo hiểm y tế đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở là phù hợp với thực tế.
Phát biểu giải trình vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, qua tổng hợp ý kiến đại biểu từ kỳ họp thứ năm đến nay cho thấy, đa số ý kiến nhất trí và sự cần thiết ban hành luật, nhất trí với nhiều nội dung của luật do Chính phủ trình. Về các nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật các đại biểu quốc hội cho ý kiến cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo giải trình tiếp thu chỉnh lý trong hồ sơ dự thảo Luật.
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Công an trân trọng cảm ơn các ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan thẩm tra nghiên cứu tiếp thu các ý kiến các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật bảo đảm hoàn thiện cả về nội dung và kỹ thuật văn bản để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ sáu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.