Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội thảo khoa học quốc gia về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng

Hà Vũ - Ảnh: Viết Thành| 17/06/2022 19:00

(HNMO) - Chiều 17-6, tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Thành ủy Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị - những vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Quang cảnh Hội thảo khoa học cấp quốc gia khu vực miền Bắc với chủ đề “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” do Thành ủy Hà Nội phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức .

Chủ trì hội thảo có các Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương.

Các đồng chí lãnh đạo Trung ương và thành phố Hà Nội chủ trì hội thảo.

Dự hội nghị có các Ủy viên Trung ương Đảng là thành viên Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 khóa XIII, lãnh đạo các cơ quan Trung ương, đại diện các bộ, ban, ngành; Thường trực các tỉnh, thành ủy phía Bắc.

Các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội dự hội thảo.

Đại biểu thành phố Hà Nội có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; Bí thư các quận, huyện, thị uỷ, các đảng bộ trực thuộc Thành ủy.

Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng phát biểu khai mạc hội thảo.

Đồng bộ giữa đổi mới chính trị với đổi mới kinh tế

Khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, trong những nhiệm kỳ gần đây, cùng với việc đẩy mạnh nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị một cách đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa; vai trò và hiệu quả, hiệu lực lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị không ngừng được nâng cao. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định, mang đến những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua hơn 35 năm đổi mới, đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, nâng cao vị thế và uy tín của Đảng.

Cho rằng, mặc dù có nhiều sự chuyển biến tích cực và quan trọng, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị nhìn chung vẫn chậm, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị trong điều kiện mới là một nội dung quan trọng trong 10 nhiệm vụ xây dựng Đảng mà Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra, nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước, bảo đảm đổi mới chính trị đồng bộ, phù hợp với đổi mới kinh tế. Đòi hỏi này hoàn toàn phù hợp với tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; phát huy dân chủ trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo và trong điều kiện bản thân Đảng và hệ thống chính trị đang tiếp tục đổi mới.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu chào mừng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, với truyền thống 92 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ Hà Nội luôn ý thức sâu sắc về vị trí, vai trò; trách nhiệm trước Đảng, trước dân; gương mẫu đưa Nghị quyết Trung ương 5 khóa X vào cuộc sống. Qua tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết, Đảng bộ Hà Nội đã khẳng định việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị đã mang lại hiệu quả to lớn, góp phần quan trọng, có tính quyết định đối với phát triển của Thủ đô trong các giai đoạn vừa qua.

Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, Đảng bộ Thủ đô sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới phương thức lãnh đạo và nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng, phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ theo đúng tinh thần Nghị quyết 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, sớm đưa Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, tạo bước phát triển toàn diện, bứt phá của Thủ đô Hà Nội.

Đề dẫn hội thảo, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương khẳng định, hội thảo có ý nghĩa quan trọng nhằm làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, góp phần tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, nhằm xây dựng Đề án về vấn đề này trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII sắp tới.

Đồng chí đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ những vấn đề lý luận về phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị; đánh giá những ưu điểm, kết quả và hạn chế, vướng mắc, nút thắt, điểm nghẽn, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; dự báo những nhân tố tác động, những yêu cầu mới đặt ra đối với phương thức lãnh đạo của Đảng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; đề xuất quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng trong tình hình mới.

"Chìa khoá" cho sự ổn định và phát triển

Trong quá trình chuẩn bị hội thảo, Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 đã nhận được gần 60 tham luận của các đồng chí lãnh đạo đại diện các ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương và các đồng chí bí thư, phó bí thư cấp ủy địa phương khu vực phía Bắc; các chuyên gia, nhà khoa học. 

Tại hội thảo, 9 đại biểu đã trực tiếp tham luận. Trong đó, nhấn mạnh vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng gắn với phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X), Đảng bộ thành phố Hà Nội đã có nhiều cách làm sáng tạo, quyết liệt, thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo, xác định là một trong những yếu tố hàng đầu, quyết định trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, là chìa khóa cho sự ổn định và phát triển.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến tham luận tại hội thảo.

Từ thực tiễn 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X), Đảng bộ thành phố Hà Nội rút ra 4 bài học kinh nghiệm, đề xuất 5 vấn đề trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Đáng chú ý, theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị phải trên cơ sở nhận thức đầy đủ mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; trong việc thực hiện quyền lực của nhân dân để phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, tránh chồng chéo, tránh khuynh hướng cấp ủy buông lỏng lãnh đạo hoặc bao biện, làm thay; chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đối với chính quyền cùng cấp, coi đây là khâu quan trọng; tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể; thực hiện tốt nguyên tắc: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”...

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan tham luận tại hội thảo.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan, một trong những nội dung đổi mới phương thức lãnh đạo quan trọng nhất là ban hành nghị quyết. Cách đây 20 năm, Vĩnh Phúc còn là tỉnh nghèo, khi đó, Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế lấy công nghiệp làm trọng tâm và nền tảng để phát triển. Nhờ đó, sau hơn 10 năm thực hiện, tỉnh đã tự cân đối ngân sách và có phần đóng góp cho trung ương.

“Kinh nghiệm của tỉnh là khi ban hành nghị quyết phải lựa chọn những vấn đề khó, vấn đề mới; mọi chủ trương, chính sách phải xác định rõ “dân là gốc”, người dân phải được thụ hưởng thành quả”, đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương Tạ Ngọc Tấn tham luận tại hội thảo.

GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phải xuất phát từ con người cán bộ; muốn vậy phải đánh giá chính xác, lựa chọn đúng cán bộ; phải quan tâm xây dựng cơ chế, môi trường để cán bộ yên tâm cống hiến, hết lòng hết sức vì nhiệm vụ.

Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Nguyễn Văn Thắng tham luận tại hội thảo.

Cũng xuất phát từ quan điểm tương tự, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Nguyễn Văn Thắng đề nghị phải đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ; trong đó, đối với các chức danh không gắn với cấp ủy nên tổ chức thi tuyển hoặc mở rộng quy hoạch.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu tham luận tại hội thảo.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng tham luận tại hội thảo.

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà tham luận tại hội thảo.

Đổi mới phải hiển diện trong chỉ đạo hằng ngày

Kết luận hội thảo, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho biết, xuyên suốt quá trình lịch sử, Đảng ta đã không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, phù hợp với từng giai đoạn cách mạng; qua đó đã khẳng định được hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo đối với hệ thống chính trị.

Dẫn lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đảng ta hy sinh tranh đấu, đoàn kết, lãnh đạo nhân dân tranh lại thống nhất và độc lập. Công việc đã có kết quả vẻ vang. Nhưng, nếu mỗi cán bộ, mỗi đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn, thì thành tích của Đảng còn to tát hơn nữa...”, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, cho đến bây giờ lời dạy của Người vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn.

Tổng hợp các ý kiến tham luận tại hội thảo, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho rằng, Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 đã rút ra nhiều ý kiến hay, vấn đề cụ thể để đề xuất với Trung ương.

Đó là đổi mới phương thức lãnh đạo phải cụ thể hóa, tối ưu hóa để hiện thực hóa tốt nhất các chủ trương, đường lối của Đảng. Trong quá trình đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng phải phát huy tinh thần đoàn kết, đồng thuận tạo hiệu ứng mạnh mẽ để tổ chức thực hiện, nhất là trước những việc khó.

Trong quá trình lãnh đạo, cấp ủy, tổ chức Đảng phải thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, gắn với hoàn thiện quy trình, quy chế làm việc; phát huy vai trò của người đứng đầu cũng như tính tới việc cho phép người đứng đầu có thêm một số thẩm quyền.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai phát biểu bế mạc hội thảo.

Để đổi mới phương thức lãnh đạo, quan trọng nhất là cán bộ phải có năng lực, đạo đức và bản lĩnh. Công tác đánh giá cán bộ phải được thực hiện một cách chính xác để lựa chọn đúng cán bộ; đồng thời phải tạo dựng khuôn khổ pháp lý, quy định để cán bộ không dám và không thể tham nhũng, tiêu cực...

Đổi mới phương thức lãnh đạo cần phải phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng loại hình tổ chức Đảng trong Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân, đơn vị kinh tế...

Đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị phải hiển diện trong chỉ đạo hằng ngày của từng tổ chức Đảng, từng cấp ủy; cụ thể hóa bằng phong cách làm việc, lề lối làm việc ngày càng hiện đại...

Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho biết, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 khóa XIII sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham luận, làm rõ ưu điểm, khuyết điểm trong thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp có hiệu quả trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, cho ý kiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội thảo khoa học quốc gia về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.