Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội thảo khoa học “Chính phủ và chính quyền địa phương”

Hiền Thu| 25/08/2018 15:33

(HNMO) - Ngày 25-8, Bộ Nội vụ đã tổ chức hội thảo khoa học “Chính phủ và chính quyền địa phương”.


Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại hội thảo.


Phát biểu đề dẫn hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khẳng định: "Hiện nay chúng ta đang tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết Trung ương 6, 7 (khóa XII) với rất nhiều nội dung về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới cơ chế quản lý và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược; cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội…". Bộ Nội vụ được Đảng và Nhà nước giao chủ trì, triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng thuộc nội dung các nghị quyết này. Trong đó có việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Đồng chí Trần Anh Tuấn khẳng định, với việc phân biệt rõ giữa hành pháp chính trị với hành chính công vụ, xác định quản trị quốc gia với quản lý nhà nước, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 đã bước đầu quy định rõ ràng hơn chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và đã đẩy mạnh phân cấp giữa Chính phủ với chính quyền địa phương.

Qua thời gian thực hiện, để thể chế hóa các chủ trương của Đảng thể hiện ở các Nghị quyết Trung ương 6, 7 (khóa XII), thực hiện thông điệp “Xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính và phục vụ nhân dân", “Xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử”… thì một số điều của các luật này cần được sửa đổi, bổ sung. Cụ thể như: Thẩm quyền của Chính phủ trong phân công, phân cấp; thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; thẩm quyền của Bộ trưởng; về cơ chế ủy quyền; về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND các cấp; cơ cấu tổ chức của HĐND và UBND các cấp…

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã chia sẻ quan điểm, suy nghĩ về các nội dung sửa đổi của hai luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước. Nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi luật cần thực hiện đúng các quy định trong Hiến pháp, đề cao dân chủ trực tiếp. Luật cần quy định rõ về việc phân cấp, song phải hạn chế thấp nhất việc ủy quyền và xin ủy quyền để tránh cơ chế xin - cho. Đặc biệt, luật cần chú ý xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, đề cao tinh thần trách nhiệm. Một số ý kiến cho rằng, cần có tổng kết, đánh giá về vai trò của cấp xã trong thời gian qua, bởi đây là cấp nhỏ nhất trong 4 cấp của hệ thống chính trị nhưng vô cùng quan trọng. Các ý kiến cũng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu lý luận về bộ máy nhà nước và tổ chức bộ máy nhà nước...

Phát biểu kết luận hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân ghi nhận, tiếp thu toàn bộ 9 ý kiến, tham luận. Bộ trưởng khẳng định, việc sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương sẽ lựa chọn những vấn đề đang bức xúc, nhu cầu xã hội đang đặt ra để ưu tiên làm trước chứ chưa sửa toàn diện. Việc sửa đổi cũng trên tinh thần kế thừa những nội dung gì đang ổn định và nội dung đổi mới đưa vào thực hiện cần có lộ trình và bước đi thích hợp để vừa bảo đảm ổn định, vừa có cái mới, ưu tiên, đáp ứng yêu cầu phát triển. Khi sửa đổi phải bám sát thực tiễn, không chủ quan, không duy ý chí nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng chất lượng phục vụ nhân dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hội thảo khoa học “Chính phủ và chính quyền địa phương”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.