(HNMO) – Ngày 23-10, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội thảo
GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo. |
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế cho biết: Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose huyết tương do khiếm khuyết về insulin, về tác động của insulin hoặc cả hai.
Theo Hội Nội tiết Hoa Kỳ, đái tháo đường thai kỳ là tình trạng liên quan đến tăng glucose huyết tương của mẹ và làm tăng nguy cơ các kết cục sản khoa bất lợi. Còn theo Liên đoàn Đái tháo đường thế giới, năm 2017 có khoảng 425 triệu người bị đái tháo đường trên thế giới ở độ tuổi từ 20 đến 79 tuổi, dự kiến đến năm 2045 có khoảng 630 triệu người bị đái tháo đường.
Nghiên cứu ở một số cơ sở y tế của Việt Nam cho thấy, tỷ lệ phụ nữ mang thai mắc đái tháo đường thai kỳ ở TP Hồ Chí Minh có xu hướng tăng dần trong những năm qua, từ 2,1% năm 1997 lên 4% năm 2008 và khoảng 20% trong năm 2017; trong khi đó ở Hà Nội là 5,7% vào năm 2004.
Theo khảo sát của các bệnh viện chuyên khoa sản trên toàn quốc, trong giai đoạn từ năm 2001 đến năm 2004, tỷ lệ phát hiện đái tháo đường thai kỳ vào khoảng 3%- 4%. Tuy nhiên đến năm 2017, tỷ lệ này đã tăng lên mức 20% trên tổng số thai phụ được khám tại các bệnh viện/cơ sở y tế chuyên khoa.
Đái tháo đường thai kỳ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của bà mẹ và thai nhi. Người mẹ có thể mắc các bệnh lý như tăng huyết áp, bệnh lý về võng mạc, về mạch vành và nhiễm trùng tiết niệu, tăng nguy cơ tiền sản giật- sản giật và nguy cơ bị đái tháo đường thực sự trong tương lai… Tăng huyết áp ở người mẹ sẽ đe đọa đến tính mạng cả người mẹ và thai nhi. Phần lớn các nghiên cứu chỉ ra rằng bất thường bẩm sinh tăng gấp 3 lần ở thai nhi có mẹ mắc đái tháo đường thai kỳ trước đó mà không được kiểm soát tốt.
Hiện nay có nhiều sách hướng dẫn về đái tháo đường thai kỳ, tuy nhiên còn tản mạn, thiếu đồng bộ và nhất quán, chưa tập trung vào thực hành dẫn tới khó khăn cho nhân viên y tế.
Để nâng cao kiến thức cho cán bộ y tế về dự phòng kiểm soát đái tháo đường thai kỳ, Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em- Bộ Y tế đã biên soạn “Hướng dẫn quốc gia về dự phòng và kiểm soát đái tháo đường thai kỳ” với sự tham gia của các giáo sư, bác sĩ đầu ngành công tác trong lĩnh vực thai phụ khoa, nội tiết và dinh dưỡng. Trong quá trình xây dựng tài liệu, Bộ Y tế cũng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của cán bộ y tế tuyến cơ sở. Đây cũng là lần đầu tiên Bộ Y tế xây dựng, ban hành và xuất bản “Hướng dẫn quốc gia về dự phòng và kiểm soát đái tháo đường thai kỳ”.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe một số tham luận như: Đái tháo đường thai kỳ tại Việt Nam: Thực trạng và thách thức trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; dinh dưỡng chuyên biệt cho đái tháo đường và vai trò của dinh dưỡng trong đái tháo đường thai kỳ; giới thiệu hướng dẫn quốc gia về dự phòng và đái tháo đường thai kỳ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.