(HNMO) - Sáng 30-9, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và Phát triển cộng đồng nông thôn tổ chức Hội thảo "Chính sách đất đai trong nông nghiệp - góp ý sửa đổi Luật Đất đai 2013". Tới dự có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc hội Tạ Đình Thi cùng các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu về đất đai.
Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội thông qua ngày 29-11-2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2014. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Anh - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội đánh giá, sau hơn 8 năm tổ chức thi hành, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả về đất đai; khai thác nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội; tăng nguồn thu cho ngân sách; khuyến khích tập trung và tích tụ đất nông nghiệp, góp phần hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp, giải phóng sức lao động...
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học tập trung thảo luận những vấn đề: Thực trạng tập trung, tích tụ đất nông nghiệp ở nước ta hiện nay và giải pháp phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, bền vững; những khó khăn, bất cập trong thực thi pháp luật về thu hồi đất, hỗ trợ bồi thường, tái định cư theo Luật Đất đai 2013 và đề xuất giải pháp sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật; góp ý về các quy định giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất...
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Thị Tám nhận định, hiện nay, việc phân loại đất nông nghiệp theo mục đích sử dụng chưa thống nhất, có sự chồng chéo các mục đích sử dụng đất trong một khu vực; chưa có bộ tiêu chí đánh giá tiềm năng sử dụng đất cho các mục đích sử dụng đất nông nghiệp khác nhau; cơ chế và mô hình tích tụ ruộng đất theo hướng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp còn hạn chế, dẫn đến hạn chế quyền cơ bản của người sử dụng đất và cản trở đầu tư vào đất nông nghiệp...
Do vậy, sản xuất nhỏ vẫn phổ biến nên năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ không cao, từ đó làm chậm quá trình hội nhập kinh tế. Cụ thể, năm 2020, cả nước chỉ có 1.051 xã có cánh đồng lớn (chiếm 12,68% tổng số xã khu vực nông thôn); bình quân 1 cánh đồng lớn có 196,94 hộ tham gia...
Vì vậy, cần thực hiện giao đất nông nghiệp, giao rừng đúng đối tượng; đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sẽ góp phần vốn hóa giá trị quyền sử dụng đất; rà soát đầy đủ quỹ đất nông nghiệp trước đây giao cho các nông trường, lâm trường để chuyển sang chế độ quản lý, sử dụng phù hợp...
Tiến sĩ Lê Phương Linh (Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong) cho rằng, một số địa phương do hiểu và áp dụng không đúng, không thống nhất các quy định về pháp luật nên còn lúng túng, máy móc trong giải quyết các yêu cầu của người có đất bị thu hồi; ban hành các quyết định hành chính thiếu cơ sở pháp lý, dẫn đến tình trạng người dân không đồng thuận, bức xúc, phát sinh tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai... Cụ thể như khái niệm trong công tác thu hồi đất để thực hiện dự án với mục đích phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng chưa rõ ràng.
Đơn cử, việc thu hồi đất thực hiện dự án khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa), ở đây, Tập đoàn FLC sẽ xây các khu thương mại, nhà biệt thự, liền kề... nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa viện dẫn điểm d, khoản 3, Điều 62 để thu hồi đất của một số hộ dân với lý do "phát triển kinh tế - xã hội vì mục đích quốc gia, công cộng", khiến nhiều người băn khoăn...
Cũng tại buổi thảo luận, nhiều chuyên gia đã đóng góp ý kiến về đổi mới chính sách đất đai trong nông nghiệp để phát triển sinh kế bền vững; nêu kinh nghiệm của một số nước trên thế giới về tích tụ, tập trung đất nông nghiệp đáp ứng phát triển nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn, hiệu quả cao và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; góp ý kiến về các quy định giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.