Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hồi sinh những di sản vô giá

Nguyễn Thị Thu Hiền| 09/06/2023 07:17

(HNMCT) - Những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã thay đổi nhiều khía cạnh trong đời sống xã hội và tác động sâu sắc tới lĩnh vực văn hóa. Đặc biệt, đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, các ứng dụng công nghệ thông tin đã mở rộng khả năng lưu trữ, số hóa, giúp hồi sinh di sản văn hóa, lịch sử.

Khách tham quan các khu di sản có trải nghiệm sống động khi sử dụng công nghệ thực tế ảo.

Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo nên bước ngoặt cho công tác bảo tồn, bảo tàng, phục hồi di sản cũng như cách tiếp cận, trải nghiệm văn hóa. Ngày càng có nhiều người đam mê nghiên cứu văn hóa, lịch sử có thể xem lại các vở kịch, buổi hòa nhạc xưa hoặc tìm lại các di sản thế giới đã mất. Các tổ chức văn hóa và chuyên gia văn hóa ở nhiều nơi trên thế giới đang bận rộn tranh thủ công nghệ kỹ thuật số để bù đắp những gì không thể làm được trong quá khứ.  

Số hóa di sản không chỉ dừng lại ở việc áp dụng các công nghệ quen thuộc như 2D, 3D trên nền tảng web và phương tiện truyền thông xã hội, mà còn mở rộng sang các công nghệ đang nổi lên nhanh chóng như trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường. Điều này sẽ tạo ra những thay đổi ngoạn mục cho công tác bảo tồn di sản trong những năm tới.  

Nhờ thành tựu của công nghệ số, nhiều di sản bị phá hủy trong chiến tranh, do thiên tai đã được phục dựng. Ở Syria, UNESCO đã làm việc với Trung tâm vệ tinh của Liên hợp quốc để đưa ra đánh giá thiệt hại đối với thành phố cổ Aleppo, sử dụng hình ảnh vệ tinh và nhiều ứng dụng khác do công ty khởi nghiệp Iconem của Pháp phát triển để phục dựng và lưu giữ thành phố được công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1986 này. Các sáng kiến tương tự đang được tiến hành ở Yemen, nơi UNESCO đang giúp các chuyên gia di sản có thêm kiến thức và tài liệu 3D về các tòa nhà, di tích và địa điểm.

Tại Iraq, UNESCO đang hợp tác sử dụng công nghệ máy bay không người lái và cho phép chụp ảnh để ghi lại mức độ bị phá hủy của thành phố cổ Mosul. Đây là một phần dự án “Hồi sinh tinh thần Mosul”, giúp tái thiết nhiều công trình di sản đã mất trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. 

Tại châu Âu, một trong những di sản được số hóa thành công là Thánh địa Olympia (Hy Lạp) - nơi khởi nguồn của Thế vận hội cổ đại, đồng thời còn lưu giữ vết tích của những tác phẩm điêu khắc, ngôi đền thờ thần Zeus và Hera. Qua thời gian, nhiều công trình hàng nghìn năm tuổi chỉ còn lại rất ít những gì đã có. Tuy nhiên, nhờ tài liệu lưu trữ và ứng dụng công nghệ, khu vực linh thiêng này đã được phục hồi trong không gian ảo. Đây là dự án được Bộ Văn hóa và Thể thao Hy Lạp phối hợp với tập đoàn Microsoft triển khai. Để thu thập dữ liệu một cách chính xác, các nhân viên dự án đã sử dụng máy ảnh và máy bay không người lái để ghi lại hình ảnh 27 di tích trong quần thể Olympia. Sau đó, bộ phận AI của Microsoft kết hợp dữ liệu ảnh với dữ liệu khảo cổ học để tạo ra các mô hình và phong cảnh kỹ thuật số phục vụ công tác triển lãm thực tế hỗn hợp. 

Nếu không thể trực tiếp tham quan Olympia, bất kỳ ai quan tâm tới địa điểm này có thể đăng nhập vào trang web của bảo tàng để khám phá nhiều di tích. Mỗi tòa nhà đều được cung cấp thông tin đầy đủ về lịch sử, những câu chuyện liên quan kèm theo hình ảnh thực tế, hình ảnh phục dựng 3D và video góc nhìn 360o. Khách tham quan trực tiếp có thể trải nghiệm cảm giác sống động khi sử dụng kính thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường kèm theo âm thanh nổi.

Nguyên Bộ trưởng Văn hóa và Thể thao Hy Lạp Lina Mendoni cho rằng, dự án bảo tồn di sản thông qua ứng dụng kỹ thuật số sẽ quảng bá và làm nổi bật địa điểm khảo cổ độc đáo và mang tính biểu tượng của Olympia cổ đại. Đây là một ví dụ về việc áp dụng công nghệ tiên tiến để mang lại lợi ích cho thế giới và trao quyền cho các thế hệ tương lai với những cách thức mới để khám phá lịch sử. Nhiều khách tham quan cũng đánh giá, dự án đã giúp những người không có cơ hội đến Olympia hiểu hơn về vùng đất di sản này. Việc số hóa các công trình tại thánh địa là cách tiếp cận phù hợp với thế hệ tương lai và cũng là phương pháp bền vững để bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Theo các nhà chuyên môn, chuyển đổi số chính là cầu nối hữu ích đưa các di sản đến gần hơn với cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp văn hóa. Ngoài ra, số hóa di sản cũng góp phần quan trọng trong quản lý, cung cấp thông tin và giúp giới học thuật có cơ sở nghiên cứu lịch sử. Cũng giống như nhiều lĩnh vực khác, số hóa di sản là một xu thế của tương lai.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hồi sinh những di sản vô giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.