(HNM) - Thời gian qua, Hội Nông dân thành phố luôn đồng hành với hội viên, nông dân phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi. Những mô hình này đang được nhân rộng bởi hiệu quả kinh tế và thân thiện môi trường...
Vườn bưởi Diễn gần 20 năm của anh Nguyễn Văn Năm ở xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) nổi tiếng khắp vùng bởi chất lượng quả thơm ngon. Hiện tại, anh Năm có 400 gốc bưởi đang cho thu hoạch, sản lượng khoảng 30.000 quả. Với giá bán tại vườn là 25.000 đồng/quả, trừ các khoản chi phí, anh thu lãi hơn 400 triệu đồng/vụ.
“Từ khi được ngành Nông nghiệp, Hội Nông dân thành phố hỗ trợ kỹ thuật sản xuất theo hướng VietGAP, theo chuỗi... nông dân trồng bưởi như chúng tôi rất phấn khởi bởi năng suất và chất lượng quả đều tăng qua từng năm. Bưởi sản xuất theo chuỗi, có chứng nhận hữu cơ nên được thu mua tại vườn với giá ổn định”, anh Năm chia sẻ.
Không riêng cây bưởi, thời gian qua, Hội Nông dân Chương Mỹ còn phát triển các mô hình sản xuất theo chuỗi đối với nhiều loại cây trồng, vật nuôi. Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chương Mỹ Chu Văn Khang, đến nay, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với các đơn vị hình thành 12 chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị canh tác. Điển hình như các mô hình: Sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao của Hợp tác xã Rau, quả sạch Chúc Sơn, sản xuất lúa hữu cơ ở xã Đồng Phú, bưởi hữu cơ tại xã Nam Phương Tiến, nuôi cá ứng dụng công nghệ cao tạo các sông trong ao, vùng sản xuất lúa Japonica...
Tương tự, Hội Nông dân huyện Sóc Sơn cũng chủ động xây dựng các mô hình theo chuỗi, đạt hiệu quả kinh tế cao. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sóc Sơn Nguyễn Quốc Ân chia sẻ, những năm qua, các cấp Hội Nông dân ở Sóc Sơn xây dựng được 10 nhóm sản xuất rau hữu cơ; 76 tổ hợp tác trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt; 63 tổ hội nghề nghiệp... Các mô hình sản xuất theo chuỗi đều cho hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt, các mô hình này còn góp phần bảo vệ môi trường, phù hợp xu hướng phát triển xanh của Thủ đô...
Đánh giá về hoạt động xây dựng chuỗi sản xuất của Hội Nông dân các cấp, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Dương Thị Hằng cho biết, để phát triển hơn nữa các mô hình sản xuất theo chuỗi, từ đầu năm đến nay, các cấp Hội đã phối hợp với ngành chức năng tổ chức nhiều lớp tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng về thông tin kinh tế thị trường, ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp, kỹ năng phát triển mô hình kinh tế tập thể cho 3.475 hội viên, nông dân.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân thành phố tổ chức 9 hội nghị tuyên truyền, tập huấn, vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia phát triển mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã với 495 người tham dự tại 9 huyện, thị xã. Đặc biệt, các cấp Hội Nông dân thành phố còn phối hợp tuyên truyền, vận động nông dân tham gia thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); đồng thời, chỉ đạo hội nông dân các huyện, thị xã xây dựng nhiều mô hình kinh tế tập thể, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, hướng dẫn thành lập hợp tác xã và tổ hợp tác. Đến nay, hội nông dân các huyện, thị xã đã hướng dẫn thành lập mới được 16/18 hợp tác xã; các cơ sở hội đã hướng dẫn thành lập được 318/406 tổ hợp tác với hình thức sản xuất theo chuỗi, hữu cơ… đạt hiệu quả cao.
Cũng theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Dương Thị Hằng, các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi sẽ tiếp tục được nhân rộng trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất của người nông dân...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.