Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội Nông dân thành phố Hà Nội lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Đỗ Minh| 22/02/2023 15:50

(HNMO) - Ngày 22-2, Hội Nông dân thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến của cán bộ, hội viên nông dân thành phố về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Quang cảnh hội nghị.

Tập trung vào các nhóm ý kiến

Theo Hội Nông dân thành phố, đây là hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng nhằm huy động trí tuệ, tâm huyết của cán bộ, hội viên, nông dân tham gia đóng góp ý kiến, góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích của cộng đồng xã hội và người dân; đồng thời, tạo không gian, nguồn lực cho sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nhất trí về chủ trương sửa đổi Luật Đất đai và khẳng định: Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã đáp ứng yêu cầu bức thiết trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.

Các đại biểu đã tham gia ý kiến vào một số vấn đề: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ tái định cư; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất...

Nguồn lực phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Xuyên Phạm Văn Hùng kiến nghị: Tại Điều 36, dự thảo Luật đã bổ sung quyền đối với trường hợp thuê đất trả tiền hằng năm theo hướng người được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm được quyền thế chấp, bán, cho thuê tài sản gắn liền với đất thuê và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất. Điều 50, dự thảo Luật đã quy định khi thực hiện quyền này phải bảo đảm các tiêu chí sau: Tài sản gắn liền với đất thuê được tạo lập hợp pháp theo quy định của pháp luật; đã hoàn thành việc xây dựng đúng quy hoạch xây dựng chi tiết và dự án đầu tư đã được phê duyệt, chấp thuận, trừ trường hợp phải thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực thi hành hoặc kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thanh tra, kiểm tra; ứng trước tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng mà chưa khấu trừ hết vào tiền thuê đất phải nộp. Đây là quy định mới cần được cân nhắc, xem xét kỹ, đánh giá tác động của việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê đất trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm trên các khía cạnh kinh tế, xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, việc thẩm định, quản lý và xử lý tài sản thế chấp của các tổ chức tín dụng.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Xuyên Phạm Văn Hùng nêu ý kiến.

Đại diện Hội Nông dân huyện Thanh Oai Lưu Thị Hải Anh cho rằng, đối với việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất: Khoản 2, Điều 89, dự thảo Luật quy định nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, bảo đảm thu nhập về điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ thông qua quy định trước khi thu hồi đất phải xây dựng khu tái định cư.

Tại Điều 106, dự thảo Luật đã quy định về các điều kiện để xây dựng các khu tái định cư (hạ tầng kỹ thuật; hạ tầng xã hội; phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền) và thứ tự ưu tiên lựa chọn địa điểm tái định cư (tại địa bàn cấp xã nơi có đất bị thu hồi; đến địa bàn cấp huyện thuộc tỉnh, thành phố nơi có đất thu hồi, rồi mới đến địa bàn khác có điều kiện tương đương).

“Về việc xây dựng các phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Nghị quyết 18-NQ/TW đã nêu lên chủ trương phải phê duyệt toàn bộ phương án trước xong rồi mới tiến hành thu hồi đất. Tuy nhiên, hiện tại chưa có tiêu chí cụ thể nào về việc cấp tái định cư như chưa quy định phải hoàn thành khu tái định cư bao nhiêu ngày trước khi tiến hành thu hồi đất, nếu không hoàn thành thì phải có phương án bồi thường thay thế. Ngoài ra, cần quy định thời gian người dân sinh sống trong khu tái định cư tối đa bao lâu để tránh tình trạng “ở tạm thành ở thật”, bà Hải Anh nêu ý kiến.

Ngoài ra, đại diện Hội Nông dân các huyện cũng kiến nghị: Cần làm rõ hơn các tiêu chí, điều kiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Ví dụ như “phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền”, đối với những địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số thì phong tục, tập quán có sự khác biệt so với đại đa số địa phương. Nếu rơi vào trường hợp tại địa bàn xã và địa bàn huyện đều không có đất để bố trí tái định cư thì buộc phải bố trí tại các địa bàn khác có điều kiện tương đương. Vậy “điều kiện tương đương” ở đây là gì, là về mặt địa lý tương đương hay là về các tiêu chí được địa phương đề ra, bởi nếu bố trí người dân tộc thiểu số sang một địa bàn với các phong tục, tập quán hoàn toàn khác với nơi ở cũ thì sẽ không đáp ứng được một trong các điều kiện của khu tái định cư mà luật quy định.

Chính sách đất đai, phân cấp thẩm quyền cụ thể là cấp huyện về việc cho thầu thuê đất nông nghiệp có thời hạn từ 30 năm trở lên để các nhà đầu tư thuê đất làm nông nghiệp công nghệ cao gắn với chính sách về đất đai trong xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng phù hợp trong lĩnh vực đầu tư; hiện nay thuê đất, tích đất là có thể, song vướng về chính sách đất đai khi đầu tư xây dựng hạ tầng và cần có chính sách ưu đãi khi đầu tư tích tụ ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp nói chung và công nghệ cao nói riêng.

Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa khẳng định: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là đạo luật rất quan trọng, tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh của đất nước nói chung và từng bộ, ngành, địa phương nói riêng, đặc biệt là đối với ngành Nông nghiệp và các hộ nông dân bởi đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt, tham gia vào tất cả lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp và các hộ sản xuất nông nghiệp. “Hội Nông dân các huyện phải tổ chức lấy ý kiến trực tiếp hoặc gián tiếp, sau đó tổng hợp ý kiến bằng văn bản gửi về Hội Nông dân thành phố Hà Nội trước ngày 27-2-2023”, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hội Nông dân thành phố Hà Nội lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.