(HNMO) - Ngày 14-6, Hội Người mù thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 30 năm thực hiện chương trình vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm giai đoạn 1992-2022.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, 30 năm qua, chương trình vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm đã được Hội Người mù thành phố Hà Nội triển khai nghiêm túc, đáp ứng quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên. Nhiều cơ sở sản xuất đã ra đời tạo thêm việc làm cho người mù. Hội viên và gia đình hội viên được nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm, biết phát huy nội lực, tự vươn lên trong sản xuất, kinh doanh để tạo thu nhập nhằm xóa đói giảm nghèo.
Thông qua hoạt động thẩm định, quản lý, kiểm tra vốn vay, cán bộ Hội cũng đã nâng cao trình độ, tư duy nhạy bén, có điều kiện quan tâm sát sao tới hội viên, nắm bắt tới từng cơ sở, gắn kết hoạt động kinh tế với nhiệm vụ chính trị của tổ chức Hội, đẩy mạnh các phong trào thi đua làm kinh tế giỏi. Kết thúc mỗi kỳ trả vốn, 100% hội viên được vay đều hoàn trả đầy đủ cả gốc và lãi cho ngân hàng, không có trường hợp nào dư nợ quá hạn. Số hộ nghèo có hội viên khiếm thị sinh sống giảm còn 0,64%.
Cụ thể, từ năm 1992 đến nay, Hội Người mù thành phố đã lập 1.082 dự án cho 19.584 lượt người vay, thu hút tạo việc làm cho 28.621 lao động là người mù và gia đình có việc làm ổn định với số tiền cho vay vốn giai đoạn 1992-2017 là hơn 32 tỷ đồng của thành phố Hà Nội; nguồn vốn Trung ương hội là gần 3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thực hiện Quyết định số 26/2017/QĐ-UBND ngày 4-8-2017 của UBND thành phố Hà Nội, ban hành quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố Hà Nội, đến thời điểm hiện tại, nguồn vốn thành phố cho hội viên Hội Người mù được vay chỉ còn 2,105 tỷ đồng.
Tại hội nghị, Chủ tịch Hội Người mù thành phố Hà Nội Lê Trung Quyết kiến nghị UBND thành phố tạo điều kiện cho Hội tiếp tục được ủy thác quản lý vốn vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố. Đồng thời, tiếp tục cho Hội Người mù các quận, huyện, thị xã làm tổ tín dụng vay vốn ở địa phương để người mù có thể dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn phát triển sản xuất tham gia đóng góp cho xã hội. Cùng với đó, Hội cũng đề nghị HĐND, UBND thành phố tạo điều kiện cấp kinh phí dạy nghề hằng năm cho Hội…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.