Xã hội

Vượt bóng tối để hòa nhập cộng đồng

Mai Hoa 10/04/2025 - 06:51

Những người khiếm thị vì thiếu may mắn mà không thể nhìn thấy ánh sáng ngay từ khi ra đời, có người vì bất ngờ bị tai nạn giao thông, hoặc do bệnh tật mà đột ngột mất đi khả năng nhìn bằng mắt.

Nhưng trong lòng họ luôn mong muốn vượt bóng tối tìm ánh sáng, vươn lên trong học tập và lao động, tự tin và bản lĩnh trong hành trình hòa nhập cộng đồng.

khiem-thi.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Người mù thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Việt và các học viên khiếm thị của lớp dạy nghề tẩm quất. Ảnh: Thu Minh

Không ngừng học hỏi, tích cực tham gia hoạt động xã hội

Sinh năm 1980 trong một gia đình thuần nông ở huyện Hoài Đức (Hà Nội), Nguyễn Huy Việt không may bị một tai nạn bất ngờ cướp đi đôi mắt khi mới lên 7 tuổi. Từ một đứa trẻ tinh nghịch, vui vẻ, Nguyễn Huy Việt bỗng chốc trở thành một cậu bé sống lầm lũi, lệ thuộc.

Tuy nhiên, vượt qua cú sốc đầu đời, Huy Việt, bằng sự nỗ lực của bản thân cùng sự giúp đỡ của gia đình, dần quen với cách sinh hoạt trong bóng tối, bắt đầu tự phục vụ bản thân, làm được một số việc hỗ trợ gia đình. Rồi Huy Việt được bố mẹ đăng ký cho đi học ở Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu, được làm quen với chữ nổi, học âm nhạc, học xoa bóp bấm huyệt… Với Huy Việt, những năm tháng gắn bó ở ngôi trường này là khoảng thời gian sống trong tình bạn chan hòa, thầy cô yêu thương, nhờ vậy có quyết tâm để nỗ lực vươn lên.

Tốt nghiệp trung học phổ thông, Huy Việt thi đỗ vào Khoa Báo chí, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Lớp của Huy Việt có 130 sinh viên, trong đó ngoài Huy Việt còn có 3 sinh viên khiếm thị khác. Vượt qua mọi khó khăn, Huy Việt đã tốt nghiệp đại học, trở thành một người tích cực tham gia công tác xã hội - từ thiện hiệu quả. Hiện anh là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Người mù thành phố Hà Nội, luôn nỗ lực tìm kiếm, kết nối các nguồn lực, phối hợp các đơn vị tổ chức các hoạt động dạy nghề tạo sinh kế, hỗ trợ người khiếm thị.

Cũng tích cực tham gia các chương trình của Hội Người mù Hà Nội, Chủ tịch Hội Người mù quận Hoàn Kiếm Hoàng Văn Lý cũng là một tấm gương sáng trong hành trình hoạt động cộng đồng. Ngoài công tác của Quận hội, Hoàng Văn Lý còn cộng tác, viết bài cho một số báo, tạp chí...

Hoàng Văn Lý cũng tham gia giảng dạy tại lớp dạy nghề thương mại điện tử dành cho người khiếm thị, chia sẻ trải nghiệm thực tế cho các học viên khiếm thị trẻ tuổi, hỗ trợ các bạn trẻ tăng cường thực hành, nâng cao kỹ năng, trình độ sử dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là kỹ năng làm việc nhóm trong việc xây dựng kênh TikTok, tạo gian hàng trên Shopee, thực hành kỹ năng quay video sản phẩm và đăng trên kênh của mình…

Mong mỏi sự chia sẻ từ cộng đồng

Luôn thắp sáng ngọn lửa yêu thương người thân, quyết tâm vượt bóng tối, vượt qua mặc cảm, tự ti để có thể sống tự lập, giống như Nguyễn Huy Việt, Hoàng Văn Lý, nhiều người khiếm thị trên địa bàn Hà Nội đã và đang nỗ lực khẳng định bản thân, đóng góp tích cực cho xã hội. Mong mỏi của họ là sẽ có ngày càng nhiều người hiểu hơn về người khiếm thị, qua đó có sự cảm thông, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ những người vốn thiệt thòi hơn người bình thường.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Nguyễn Thị Thu Hoài, sinh 1978, nhà ở phường Giang Biên, quận Hà Đông chia sẻ: “Tôi bị khiếm thị bẩm sinh, là con thứ hai trong gia đình có 3 chị em. Từng học sư phạm mẫu giáo nhưng do mắt chỉ có thể nhìn mờ nên tôi gặp rất nhiều khó khăn trong công việc, vì vậy, sau khi sinh con tôi một thời gian, tôi nghỉ làm, phụ chồng bán hàng ăn tại nhà. Nay, nhà của chúng tôi nằm trong diện giải phóng mặt bằng nên tôi quyết định tham gia học nghề tẩm quất do Hội Người mù thành phố Hà Nội tổ chức. Bản thân luôn tâm niệm phải sống tự lập, nên dù khó khăn đến đâu cũng phải nỗ lực học tập và tìm kiếm việc làm phù hợp sức khỏe và năng lực của mình”.

Còn Hoàng Văn Thiết, hiện đang làm ở một cơ sở tẩm quất người mù tại quận Hai Bà Trưng bày tỏ: “Tôi bị hỏng mắt năm 2022, do tai nạn giao thông. Khi ấy, tôi đã tốt nghiệp chuyên ngành Xây dựng tại Đại học Hải Phòng, làm việc tại một công ty chuyên về lắp ráp, sản xuất linh kiện điện tử được 4 năm. Bị hỏng mắt đột ngột, nằm viện suốt hơn nửa năm, đã có lúc tôi thực sự suy sụp. Nhưng nhờ tình yêu thương của bố mẹ, gia đình, tôi đã quyết tự vực dậy bản thân để có thể đi làm, sống tự lập. Nay thu nhập đã bước đầu ổn định, tôi quyết định học nghề tẩm quất một cách bài bản, chuyên nghiệp để phát triển kỹ năng, làm nghề tốt hơn”.

Trong hành trình hỗ trợ người khiếm thị vượt bóng tối, hòa nhập cộng đồng, Hội Người mù thành phố Hà Nội đã và đang phối hợp các tổ chức xã hội triển khai nhiều dự án, hoạt động hướng tới việc nâng cao năng lực làm việc cho người khiếm thị.

Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Hội Người mù thành phố Hà Nội Nguyễn Trung Thái cho biết: “Cùng với các lớp tẩm quất, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong thương mại điện tử, thời gian tới, trung tâm sẽ mở thêm các khóa đào tạo công nghệ thông tin, đồng thời phối hợp với một số đơn vị đào tạo nghề công tác xã hội cho người khiếm thị. Với sự quyết tâm học hỏi và làm việc, với thái độ sống có trách nhiệm, ánh sáng không bao giờ tắt với những người khiếm thị”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vượt bóng tối để hòa nhập cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.