(HNMO) - Sáng 20-11, Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN+3 lần thứ 17 (AMEM+3) được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Hội nghị được chủ trì bởi ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam. Đồng chủ trì là ông Lin Shanqing, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng quốc gia Trung Quốc; ông Koyoma Masaomi, Giám đốc Cơ quan hợp tác quốc tế, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản và ông Joong Jun Joo, Thứ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc.
Tuyên bố chung từ hội nghị nêu rõ: Các nước ASEAN+3 cam kết theo đuổi các biện pháp phục hồi kinh tế bền vững sau đại dịch trong lĩnh vực năng lượng, đồng thời các quốc gia ASEAN đang hướng tới tăng cường khả năng phục hồi bằng cách cân bằng chi phí kinh tế và rủi ro cung cấp trong khi xem xét sự cân bằng tối ưu giữa an ninh quốc gia và phục hồi kinh tế.
Hội nghị cũng thừa nhận tầm quan trọng của chính sách năng lượng thực tế bằng cách sử dụng tất cả các nguồn năng lượng và công nghệ để đạt được cả hai mục tiêu, phục hồi kinh tế từ đại dịch Covid-19 và giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời hoan nghênh Chương trình Hợp tác năng lượng ASEAN (APAEC) giai đoạn II (2021-2025), được thống nhất tại Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN (AMEM) lần thứ 38.
Về vấn đề an ninh năng lượng, khuyến khích tiếp tục trao đổi thông tin về xu hướng và triển vọng năng lượng ở các nước ASEAN+3, thúc đẩy các kế hoạch và hợp tác mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, than đá, năng lượng hạt nhân dân sự và năng lượng quản lý an toàn. Dịch Covid-19 đã dẫn đến những thách thức chưa từng có đối với ngành năng lượng trong khu vực, chẳng hạn như nhu cầu điện giảm, cắt giảm các dự án thăm dò và lọc dầu...
Quá trình chuyển đổi năng lượng trong ASEAN đang tập trung không chỉ vào chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo, mà còn lựa chọn năng lượng sạch, bền vững và công nghệ hướng tới khả năng phục hồi sau đại dịch…
Đại diện ngành năng lượng các nước ASEAN+3 ghi nhận tiếp tục hợp tác về năng lượng hạt nhân, nhận thức của công chúng và nâng cao năng lực cho cán bộ về công nghệ hạt nhân tại các nước ASEAN+3. Đồng thời tiếp tục hướng đến các sáng kiến từ Trung tâm Nghiên cứu tích hợp của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Nhật Bản (JAEA) cho lĩnh vực không phổ biến vũ khí hạt nhân và an ninh hạt nhân (ISCN) để thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực về an ninh hạt nhân, các biện pháp bảo vệ và hệ thống kế toán và kiểm soát (SSAC) vật liệu hạt nhân, và khuôn khổ không phổ biến vũ khí quốc tế.
Liên quan tới vấn đề thị trường dầu khí và Diễn đàn Khí gas tự nhiên, Đối thoại doanh nghiệp, các ý kiến thống nhất đánh giá cao việc chia sẻ thông tin về tác động của dịch Covid-19 đối với ngành dầu khí và các kế hoạch phát triển bền vững phục hồi ở các nước ASEAN+3.
Đại diện ngành năng lượng các nước ASEAN+3 cũng nhắc lại tầm quan trọng của một cam kết mạnh mẽ và rõ ràng để tăng cường sử dụng khí đốt tự nhiên (LNG) và phát triển cơ sở hạ tầng hỗ trợ tăng trưởng thị trường khí đốt tự nhiên và LNG trong khu vực.
Xung quanh vấn đề năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng và bảo tồn, hội nghị nhất trí về sự tiến bộ và sáng kiến của sự hợp tác, trong đó hoan nghênh việc tiếp tục hợp tác giữa Cơ quan Năng lượng Hàn Quốc (KEA) và Trung tâm Năng lượng ASEAN (ACE) trong Chương trình Hợp tác giảm thiểu ASEAN+3.
Các bộ trưởng đánh giá cao sự hỗ trợ và tham gia liên tục của Nhật Bản trong phát triển năng lực cho ASEAN; hoan nghênh đề xuất của Nhật Bản về chương trình nâng cao năng lực liên quan đến luật pháp và hướng dẫn trong Hệ thống Quản lý năng lượng (EMS) được sử dụng cho Chương trình Phụ tải điện (DR), Nhà máy điện ảo (VPP) và giao thức kiểm soát thiết bị IoT tại EPGG SOME+3 lần thứ 19, ngày 12-10-2020.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.