Tổng cộng 61 quốc gia, trong đó có Pháp, Ấn Độ và Trung Quốc đã thông qua Tuyên bố chung về nhu cầu trí tuệ nhân tạo “mở, toàn diện và đạo đức” tại Hội nghị Thượng đỉnh hành động về AI năm 2025, qua đó vạch ra lộ trình và các mốc phát triển tiếp theo cho AI.
Hội nghị Thượng đỉnh hành động về AI năm 2025 do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đồng chủ trì, tổ chức trong 2 ngày (10 và 11-2) tại thủ đô Paris (Pháp), thu hút sự tham gia của lãnh đạo nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế và các tập đoàn công nghệ lớn. Việt Nam cũng góp mặt tại hội nghị lần này, thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc ứng dụng AI vào phát triển kinh tế - xã hội.
Đây là lần thứ ba thế giới tổ chức một hội nghị cấp cao về trí tuệ nhân tạo, sau hội nghị tại Bletchley Park (Anh Quốc) và Seoul (Hàn Quốc). Điều đáng chú ý là sự thay đổi trong cách tiếp cận từ "AI Safety Summit" (Hội nghị Thượng đỉnh an toàn AI) thành "AI Summit" (Hội nghị Thượng đỉnh AI), và nay là "AI Action Summit" (Hội nghị Thượng đỉnh hành động về AI).
Điều này cho thấy các cuộc thảo luận dần mang tính thực tiễn hơn, không chỉ tập trung vào lý thuyết mà hướng nhiều hơn đến các nỗ lực triển khai AI trong thực tế. Ví dụ là sáng kiến "Current AI" - Đối tác công tư toàn cầu đã được công bố tại hội nghị năm nay, nhằm hỗ trợ những dự án AI có quy mô lớn phục vụ lợi ích cộng đồng.
Phát biểu của các chính khách và chuyên gia ở nhiều lĩnh vực cũng chỉ ra những tiềm năng và nhu cầu cấp thiết cần triển khai để AI sớm được ứng dụng, đem lại những hiệu quả thiết thực.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, AI sẽ ảnh hưởng đến gần 40% số việc làm trên toàn cầu. Một số công việc sẽ bị thay thế, trong khi một số khác sẽ được AI hỗ trợ và nâng cao. Tác động này sẽ phụ thuộc vào việc AI tăng cường năng suất của những người lao động có thu nhập cao hay loại bỏ những công việc có kỹ năng thấp. Điều này đồng nghĩa, cần có những chương trình đào tạo lại kỹ năng và nâng cao trình độ, giúp nhiều người lao động có thể chủ động thích nghi với sự phát triển của AI thay vì trở thành đối tượng bị động.
Vấn đề cạnh tranh cũng được nêu ra như một chủ đề “nóng” tại hội nghị lần này. Châu Âu đầu tư mạo hiểm vào AI đạt 15,8 tỷ USD trong năm 2024. Con số này ở Bắc Mỹ là 100 tỷ USD. Ngay tại hội nghị, nhiều cam kết đầu tư lớn cho AI cũng được nêu ra. Pháp cam kết đầu tư 109 tỷ euro vào AI, một liên minh các nhà đầu tư toàn cầu đã công bố 150 tỷ euro đầu tư vào AI tại châu Âu…
Qua các thảo luận, hội nghị cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hạn chế sự tập trung quyền lực vào một số tập đoàn công nghệ, qua đó bảo đảm AI dễ tiếp cận hơn với các quốc gia đang phát triển.
Những quan điểm nêu ra cơ bản hội tụ trong bản tuyên bố chung sau hội nghị: “Tuyên bố về trí tuệ nhân tạo toàn diện và bền vững”. Văn kiện này nhấn mạnh đến các vấn đề liên quan đến AI và năng lượng đã “lần đầu tiên” được giải quyết trong bối cảnh đa phương.
Tuyên bố cũng nêu bật nhu cầu nâng cao nhận thức về tác động của AI đối với thị trường lao động và thúc đẩy các công nghệ định hình tích cực tương lai của các lĩnh vực.
Tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường phối hợp trong quản lý AI và ngăn chặn tình trạng độc quyền thị trường để AI dễ tiếp cận hơn với mọi người. Tuyên bố cũng nêu bật nhu cầu phải đạt tiến triển trong bảo đảm tính bảo mật và độ tin cậy của AI, ưu tiên phát triển AI lành mạnh, an toàn, bền vững.
Mặc dù đã được 61 quốc gia nhất trí, nhưng theo giới quan sát, Tuyên bố chung vẫn chưa hoàn hảo bởi Mỹ, Anh không ký tên. Mặc dù hai nước không lý giải nguyên nhân, nhưng các kênh truyền thông cho biết, Washington và London phản đối một số nội dung trong dự thảo văn kiện.
Trước đó, phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng thống Mỹ J.D Vance từng nhấn mạnh, tình trạng kiểm soát AI quá mức sẽ kìm hãm sự phát triển của lĩnh vực này, đồng thời chỉ trích Liên minh châu Âu (EU) tạo ra nhiều quy định kiểm soát AI khiến các đơn vị phát triển AI phải gánh thêm chi phí.
Dù thế nào, rõ ràng Hội nghị AI lần thứ 3 cho thấy, thế giới đang nhận thức hết sức rõ ràng về vai trò của công nghệ mới này cũng như những thách thức tiềm ẩn trong các nỗ lực phát triển, ứng dụng AI trên diện rộng. Để AI thực sự trở thành một công cụ đắc lực cho nhân loại trong mọi lĩnh vực, những năm tới vẫn cần có những bước tiến lớn về hạ tầng công nghệ thông tin, công nghiệp bán dẫn...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.