(HNM) - Trong khuôn khổ chiến lược mở rộng ảnh hưởng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ngày 24-9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của lãnh đạo nhóm Bộ tứ (gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản) tại Nhà Trắng. Chương trình nghị sự của hội nghị bao gồm nhiều vấn đề "nóng" như phòng, chống đại dịch Covid-19, tăng cường an ninh, thắt chặt hợp tác trong các lĩnh vực và mở rộng tầm nhìn cho giai đoạn mới.
Diễn ra vào thời điểm chính sách của Mỹ đang có những thay đổi mạnh mẽ, nội dung hội nghị lần này thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế bởi mỗi bước đi mới mà nhóm Bộ tứ triển khai có thể dẫn tới những biến chuyển trên bàn cờ chiến lược thế giới. Lâu nay, các cường quốc vẫn cho rằng, làm chủ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương về cơ bản sẽ kiểm soát được thế giới bởi đây là khu vực nằm ở vị trí trung tâm của các lợi ích chiến lược chính trị và kinh tế toàn cầu.
Theo thông tin từ Nhà Trắng, hội nghị được tổ chức như một động thái khẳng định sự đồng lòng của nhóm Bộ tứ trong nỗ lực thúc đẩy tự do, rộng mở và trật tự dựa trên những quy tắc của luật pháp quốc tế để củng cố an ninh và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điểm lại quá trình hợp tác của nhóm trong vòng 6 tháng qua, lãnh đạo 4 nước hài lòng với những kết quả đã đạt được. Một trong những dấu ấn là việc thành lập Nhóm chuyên gia về vắc xin phòng Covid-19, quy tụ các nhà khoa học hàng đầu, chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch ứng phó kịp thời với diễn biến của đại dịch, đồng thời giúp đỡ các nước trong khu vực tiếp cận với nguồn cung ứng vắc xin.
Ngoài việc đóng góp vào chương trình phân phối vắc xin toàn cầu của Liên hợp quốc (COVAX), tính đến nay, Mỹ, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản đã cung cấp gần 79 triệu liều vắc xin cho các quốc gia ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thể hiện tinh thần đoàn kết đẩy lùi mối nguy chung trên toàn cầu. Lãnh đạo nhóm Bộ tứ cam kết, đến cuối năm 2022, nhóm này sẽ sản xuất thêm 1 tỷ liều vắc xin phòng Covid-19, đồng thời giúp đỡ các đối tác trong khu vực thông qua khoản vay hỗ trợ khẩn cấp nhằm ứng phó với khủng hoảng bởi đại dịch.
Về chương trình hợp tác trong thời gian tới, nhóm Bộ tứ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để giải quyết các vấn đề “nóng” toàn cầu như chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận khí hậu tại Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu 2015 (COP21). Bên cạnh tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, công nghệ, các nhà lãnh đạo cũng chia sẻ những lo ngại chung liên quan tới những mối đe dọa trên không gian mạng, đồng thời khẳng định sẽ nhanh chóng tham vấn xây dựng nguyên tắc nhằm bảo đảm tính an toàn, ổn định của môi trường này.
Đáng chú ý, trong bản Tuyên bố chung được Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Australia Scott Morrison, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đưa ra ngày 25-9, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được nhắc tới như một đối tác quan trọng của nhóm Bộ Tứ và là trung tâm khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bộ tứ sẽ tiếp tục ủng hộ vai trò của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 nhằm giải quyết các thách thức đối với trật tự hàng hải ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Các nhà bình luận cho rằng, Hội nghị Thượng đỉnh nhóm Bộ tứ là “khúc nhạc đệm” trước khi Mỹ công bố một chiến lược toàn diện mới cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, chiến lược này sẽ phản ánh tầm quan trọng của Đông Nam Á đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và vai trò của ASEAN trong việc xác định tương lai của khu vực. Động thái này có thể sẽ khuấy động “cuộc đua” của những nước lớn nhằm cạnh tranh ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.