(HNM) - Trong hai ngày 23 và 24-3, Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đã diễn ra tại Brussels (Bỉ). Bên cạnh các vấn đề liên quan tới cuộc xung đột tại Ukraine, lãnh đạo 27 quốc gia thành viên đã tìm kiếm giải pháp cho hàng loạt thách thức mà khối này đang phải đối mặt như: An ninh năng lượng, vấn đề người di cư, năng lực cạnh tranh...
Trong một tuyên bố đưa ra sau khi kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo EU khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ nhằm tăng cường khả năng phục hồi; đồng thời khẳng định, khuôn khổ quản trị kinh tế của EU vẫn là công cụ trụ cột để hỗ trợ sự ổn định của đồng euro. Ngoài ra, các nước thành viên sẽ tiếp tục thúc đẩy đầu tư bền vững, cải thiện thị trường việc làm và ưu tiên quá trình chuyển đổi xanh nền kinh tế. Việc thành lập liên minh ngân hàng nội khối cũng được bàn thảo và xem xét tính khả thi trong thời gian tới.
Chủ đề thứ hai được các nhà lãnh đạo EU quan tâm là các biện pháp nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh của khu vực và thúc đẩy thị trường chung gắn kết chặt chẽ hơn sau 30 năm hình thành. Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, thời điểm này phù hợp để các nước tận dụng triệt để thế mạnh, nhận biết và khắc phục điểm yếu trong năng lực cạnh tranh. Những hậu quả về kinh tế do cuộc xung đột Ukraine gây ra buộc EU phải đánh giá lại năng lực cạnh tranh kinh tế của mình, cả trong ngắn hạn và dài hạn. Một ví dụ rõ nhất về thách thức mà EU phải đối mặt khi cuộc xung đột bùng phát là thâm hụt thương mại năng lượng. Năm 2022, thâm hụt thương mại năng lượng là 4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn khối. Trong khi cùng giai đoạn, thặng dư thương mại năng lượng của Mỹ tăng gấp 3, xuất khẩu năng lượng tăng 60% trong năm 2022.
Lãnh đạo của 27 quốc gia EU nhấn mạnh việc tôn trọng những quy tắc hiện có của thị trường chung, loại bỏ trở ngại nhằm khắc phục các lỗ hổng trong các cuộc khủng hoảng gần đây và bảo đảm điều kiện cạnh tranh công bằng. Hoạt động đúng đắn của một thị trường duy nhất vẫn là nền tảng cho sự thành công của quá trình chuyển đổi sinh thái, kỹ thuật số và phát triển trong tương lai của liên minh cũng như sự gắn kết về kinh tế, xã hội và lãnh thổ.
Vấn đề căng thẳng nhất chính là cách thức giảm dần tiến tới loại bỏ phụ thuộc năng lượng vào Nga và phi carbon hóa toàn bộ hệ thống năng lượng. Nhiều khả năng các nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục yêu cầu phối hợp chặt chẽ hơn trong việc mua bán khí đốt và tận dụng triệt để hiệu quả của cơ chế nền tảng năng lượng EU để mua chung khí đốt. Ưu tiên đặt ra tại hội nghị là bảo đảm an ninh nguồn cung có mức giá phù hợp. Lãnh đạo các nước EU nhất trí nên thông qua các cải cách thị trường điện của khối vào cuối năm nay; đồng thời thảo luận cách hỗ trợ các kế hoạch của EU nhằm nhanh chóng nhân rộng công nghệ và năng lượng thân thiện với môi trường để đạt được các mục tiêu chống biến đổi khí hậu.
Về chủ đề người nhập cư, lãnh đạo các quốc gia EU đánh giá cao những sáng kiến của Ủy ban Châu Âu (EC) về quản lý đường biên giới hỗn hợp và các biện pháp phối hợp trong tiếp nhận hay đưa người di cư hồi hương. Theo thống kê, số lượng người nhập cư bất hợp pháp năm ngoái tăng 64% so với năm trước đó và áp lực ngày càng gia tăng ở đường biên giới bên ngoài của khối. EU dự kiến hợp tác nhiều hơn và tốt hơn với các nước thứ ba, nước xuất phát và nước trung chuyển.
Sau khi Anh rời khỏi EU, liên minh này liên tục phải đối mặt với không ít thách thức khiến mối ngờ vực về tương lai của “ngôi nhà chung” này ngày càng gia tăng. Cách tiếp cận của các nhà lãnh đạo EU tại hội nghị này cho thấy những nỗ lực duy trì các nguyên tắc, giá trị cốt lõi mà liên minh đã đặt ra ngay từ ngày thành lập.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.