(HNM) - Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1990, Iraq đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao của thế giới Arab, một sự kiện quan trọng của các quốc gia không chỉ chia sẻ ngôn ngữ chung, mà còn có mối tương đồng lớn về văn hóa, tôn giáo và chính trị.
Cuộc tập hợp diễn ra trong hai ngày 28 và 29-3 khi điểm nóng Trung Đông vẫn tiếp tục tăng nhiệt và cơn gió của "Mùa xuân Arab" đã kịp định hình một thế giới Arab với quá nhiều đổi khác.
Hội nghị Cấp cao Arab 2012 diễn ra tại Vùng Xanh của thủ đô Baghdad, Iraq trong điều kiện an ninh nghiêm ngặt. |
Hội nghị giữa các nhà lãnh đạo Arab được tổ chức tại Vùng Xanh - vùng an ninh của thủ đô Baghdad - mang một sắc thái khác biệt so với lần nhóm họp hai năm trước ở thành phố Sirte, quê hương của cố lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi. Chẳng ai có thể ngờ, chưa đầy một năm sau cuộc nhóm họp đó, vụ tự thiêu của một thanh niên trí thức mưu sinh nhờ sạp bán hoa quả trên đường phố tại thị trấn Sidi Bouzid của Tunisia đã thổi bùng làn sóng biểu tình dữ dội tại nhiều quốc gia trong khu vực. Ngọn lửa từ quốc gia Bắc Phi này đã nhanh chóng kết thúc sự nghiệp 23 năm quyền lực của Tổng thống Tunisia El Abidine Ben Ali. Bất ngờ hơn khi cơn giận dữ Bắc Phi tạo nên những dư chấn liên tiếp trong thế giới Arab để dẫn tới sự ra đi của Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, cái chết của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi, cuộc chuyển giao quyền lực bắt buộc của Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh. Dù chưa bị sụp đổ, song cơn "sóng thần" chính trị chưa từng có cũng đã càn lướt và để lại những hậu quả ở các cấp độ khác nhau tại một loạt quốc gia Trung Đông như Bahrain, Oman, Saudi Arabia... và đặc biệt đang diễn ra ở Syria.
Cuộc khủng hoảng chính trị chưa có hồi kết ở Syria đã trở thành một trong những đề tài được thảo luận nhiều nhất tại hội nghị giữa các nhà lãnh đạo Arab. Damascus đã chấp thuận kế hoạch hòa bình 6 điểm của Đặc phái viên LHQ và Liên đoàn Arab (AL) Kofi Annan. Theo đó, LHQ sẽ giám sát quá trình ngừng bắn ở nước này, quân chính phủ sẽ rút khỏi những thành phố của lực lượng đối lập và cho phép triển khai các hoạt động nhân đạo khắp Syria. Mặc dù vậy, giải pháp nhằm chấm dứt một năm bạo lực kéo dài vừa được thế giới Arab đồng tình chưa biết liệu có kết thúc cuộc khủng hoảng tại Syria từng gây chia rẽ sâu sắc HĐBA LHQ. Quan điểm không đề cập tới sự ra đi của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad và vấn đề nhạy cảm là trang bị vũ khí cho lực lượng nổi dậy được thống nhất trong dự thảo Nghị quyết tại hội nghị của các nhà lãnh đạo Arab phản ánh một lập trường mềm dẻo hơn của AL với Damascus. Tuy nhiên, sau quyết định đình chỉ tư cách thành viên của Syria từ AL, sẽ là quá kỳ vọng nếu đặt niềm tin rằng cuộc tề tựu tại Vùng Xanh của Baghdad vừa khép lại sẽ tạo được bước chuyển quan trọng cho Syria.
Sẽ là quá sớm để xác định tương lai của Tổng thống Bashar Al-Assad trong lúc này. Đoạn kết sự nghiệp của nhà lãnh đạo này vẫn còn là một ẩn số. Thế nhưng, có một điều chắc chắn rằng, cơn gió lạ đang tràn qua thế giới Arab đã tạo nên một diện mạo rất mới cho đội ngũ những nhà lãnh đạo các quốc gia thành viên. Thay vì những vị tổng thống đã hàng chục năm trên ngôi cao, một thế hệ lãnh đạo mới đã đến Vùng Xanh. Những cuộc thảo luận về tương lai thế giới Arab của họ dự báo nồng độ chủ nghĩa dân tộc từng được thúc đẩy mạnh mẽ trong thế giới Arab sẽ giảm bớt.
Nhịp đập mới còn được thể hiện rõ trong chương trình nghị sự của hội nghị tại Iraq. Không còn thảo luận tới 40 vấn đề như thông lệ, hơn 10 nguyên thủ Arab cùng nhiều nhà lãnh đạo cấp cao khác đã chỉ tập trung vào một số vấn đề nóng bỏng nhất trong khối hiện nay. Trong đó, tiến trình hòa bình Trung Đông với một Nhà nước Palestine độc lập cũng như tiến trình xây dựng nền dân chủ tại những quốc gia vừa trải qua cơn chính biến là những mối quan tâm không chỉ trong nội khối mà còn trên toàn thế giới. Sau một năm gián đoạn vì bất ổn tràn lan, cuộc gặp mới nhất của các nhà lãnh đạo thế giới Arab tại Baghdad được dõi theo không chỉ vì vị thế địa - chính trị đặc biệt của khu vực mà còn bởi hội nghị vừa khép lại đã mang một màu sắc mới mẻ, khẳng định sự đổi thay chính trị rộng lớn và chưa từng có tại thế giới Arab trong lịch sử hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.