Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội nghị thượng đỉnh không chính thức EU: Tìm giải pháp cho khủng hoảng năng lượng

Quỳnh Dương| 09/10/2022 07:08

(HNM) - Ngày 7-10, Hội nghị thượng đỉnh không chính thức Liên minh châu Âu (EU) đã diễn ra tại Phủ Tổng thống Cộng hòa Séc với sự tham dự của lãnh đạo 27 quốc gia thành viên và các quan chức cấp cao EU. Bên cạnh việc thảo luận tình hình liên quan tới cuộc xung đột Nga - Ukraine, hội nghị đã tập trung vào bàn thảo các giải pháp cho cuộc khủng hoảng năng lượng đang khiến Cựu lục địa chao đảo.

Các nhà lãnh đạo EU tham gia Hội nghị thượng đỉnh không chính thức.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo, châu Âu có thể đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng thậm chí còn nghiêm trọng hơn vào năm tới sau khi rút cạn kho dự trữ khí đốt để vượt qua cái lạnh của mùa đông năm nay. Hiện tại, các nước châu Âu đã kịp lấp đầy 90% các kho dự trữ khí đốt sau khi Nga cắt nguồn cung khí đốt để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, tình trạng này có thể chỉ duy trì được trong thời gian ngắn khi các nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) có thể giúp châu Âu thay thế Nga không nhiều. Dù không còn ở mức đỉnh của năm nay nhưng giá khí đốt vẫn cao hơn 200% so với hồi đầu tháng 9-2021.

Để kiềm chế giá khí đốt tiếp tục leo thang, EU đang cân nhắc đưa ra một mức trần. Tuy nhiên, đây là vấn đề gây tranh cãi suốt một tháng qua và cho tới khi kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo EU chỉ thống nhất được chủ trương áp đặt giá trần khí đốt, chưa thể thống nhất về chi tiết thực hiện. Các nước: Séc, Ba Lan nhất trí về việc thực hiện các bước để giảm giá năng lượng, trong đó có việc giới hạn giá khí đốt được sử dụng để sản xuất điện. Trong khi đó, Đức, Đan Mạch và Hà Lan phản đối việc áp giá trần với lo ngại biện pháp này sẽ khiến việc mua khí đốt khó khăn hơn và làm suy yếu các nỗ lực khuyến khích tiết kiệm năng lượng.

Theo các nhà phân tích, cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu đang bước vào giai đoạn đáng lo ngại, khi giá của tất cả các loại năng lượng, từ khí đốt, điện cho đến xăng dầu đều tăng rất cao và ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội. Theo thông báo mới nhất, tại Pháp, giá mỗi MWh điện giao tại nước này trong năm 2023 đều lên tới khoảng 1.000 euro, tức cao gấp khoảng 10 lần cách đây 1 năm. Tại Anh, cơ quan quản lý năng lượng của chính phủ (Ofgem) cho biết, kể từ ngày 1-10 giá trần điện và khí đốt đã tăng lên từ 80 đến 100%, khiến mỗi hộ gia đình trung bình tại Anh sẽ phải chi gần 4.200 USD mỗi năm cho năng lượng. Còn tại Đức, kể từ ngày 1-10, mỗi hộ gia đình phải đóng thêm 2,4 cent/1KWh khí đốt sử dụng, tương đương với việc phải chi thêm khoảng 500 euro mỗi năm.

Việc giá năng lượng tăng cao là nguyên nhân lớn nhất đẩy lạm phát tại các nước châu Âu lên mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua. Lạm phát khiến chi phí sinh hoạt gia tăng, sức mua giảm sút nên hệ lụy trực tiếp là chất lượng cuộc sống của người dân châu Âu bị suy giảm. Về mặt kinh tế, khủng hoảng năng lượng đã và đang đe dọa mọi lĩnh vực. Khi nguồn khí đốt từ Nga bị cắt giảm, châu Âu đã và đang gấp rút tìm kiếm các nguồn thay thế, trong đó một lượng lớn là khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập từ các nước như: Mỹ, Qatar… Tuy nhiên, LNG mà châu Âu nhập từ Mỹ hiện quá đắt đỏ, gấp 10 lần so với mức giá trung bình trong 1 thập kỷ qua và cũng gấp khoảng 10 lần so với giá tại Mỹ.

Thời gian qua, các nước châu Âu đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm kiểm soát cuộc khủng hoảng năng lượng, tuy nhiên, đến thời điểm này, các đối sách vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả. Dư luận trong khu vực kỳ vọng các nhà lãnh đạo sẽ nhanh chóng tìm ra hướng đi và có quyết định mang tính đột phá trong cuộc họp thượng đỉnh chính thức sắp tới tại Brussels (Bỉ).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị thượng đỉnh không chính thức EU: Tìm giải pháp cho khủng hoảng năng lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.